Quyết tâm thực hiện bộ ba đột phá, bộ tứ chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 23/5, thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội (KTXH), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang thực hiện ba đột phá và bộ tứ chiến lược với quyết tâm mạnh mẽ hướng tới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo cơ sở vững chắc để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng thấp hơn năm ngoái và thấp hơn dự báo đầu năm, Việt Nam lại đi ngược lại. Ban đầu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ở mức 6,5 - 7%, nhưng qua phân tích lại tình hình, mục tiêu này được nâng lên mức trên 8% và tăng trưởng 2 con số ở các năm tiếp theo. Vì đi ngược lại xu thế, nên phải đặt vấn đề làm sao cho hiệu quả và thành công.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang tiến hành 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực. Về thể chế, đây vừa là động lực, vừa là nguồn lực cho phát triển. Nghị quyết số 66-NQ/TW đã đặt ra quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn cho kinh tế - xã hội và yêu cầu phải cơ bản hoàn thành trong năm nay. Đây là quyết tâm lớn để biến thể chế thành lợi thế, tăng sức cạnh tranh như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy, tháo gỡ, tạo động lực và nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng nhận xét, hạ tầng đang là điểm nghẽn với chi phí logistics của Việt Nam chiếm 17 - 18% GDP, trong khi tại nhiều nước trên thế giới chỉ khoảng 10 - 11% GDP. Chi phí lớn sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa tại thị trường trong nước và cả trên thế giới. Do đó, thúc đẩy hạ tầng chiến lược là nhiệm vụ quan trọng.

Về hạ tầng đường bộ, mục tiêu là hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm nay. Tiếp đó là triển khai hạ tầng đường sắt, đây là phương thức dung hòa giữa hàng không và hàng hải để giảm chi phí vận chuyển. Trong đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện các tuyến đường sắt tốc độ cao, kết nối trong nước và với các nước trong khu vực như với Trung Quốc, Trung Á. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác đường thủy nội địa để góp phần giảm chi phí cho hàng hóa.

Về hàng không, Thủ tướng cho biết, đây là phương thức đang phổ biến. Với thực trạng hiện nay, Việt Nam cần có thêm sân bay chiến lược, tăng các chuyến bay kết nối khắp thế giới, phát triển đội bay, hệ thống máy bay. Về hàng hải, cần đẩy mạnh phương thức giao thông này.

Đối với đột phá về nguồn nhân lực, Thủ tướng cho biết, hiện năng suất lao động Việt Nam đang thấp và kém cạnh tranh. Năng suất lao động phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là con người. Do đó, phải thay đổi cách thức và định hướng đào tạo phù hợp. Những năm qua, Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng năng suất lao động, nhưng đều không đạt được. Trong bối cảnh này, theo Thủ tướng, cần phấn đấu và quyết tâm thực hiện.

Bên cạnh các đột phá thể chế đó, Việt Nam đang triển khai bộ tứ chiến lược gồm 4 nghị quyết 57, 59, 66 và 68. Các nghị quyết này được ban hành rất nhanh chóng trong thời gian qua. Thực hiện bộ tứ này sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Để thực hiện thành công các mục tiêu KTXH, một trong những nhiệm vụ quan trọng là làm mới các động lực tăng trưởng cũ. Trong đó, cần lấy đầu tư nhà nước dẫn dắt đầu tư xã hội, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Đầu tư công trong quý I chậm so với năm ngoái, do đó cần tích cực thực hiện hơn. Bên cạnh đó là thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.

Động lực xuất khẩu hiện đang chững vì chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tinh thần ứng phó cần bình tĩnh, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thoát ra khỏi bối cảnh hiện nay. Đồng thời, tích cực đàm phán với Mỹ, trên tinh thần đảm bảo lợi ích quốc gia, đối thoại, lắng nghe và kiên trì thuyết phục, không lo sợ hoảng hốt cũng không lơ là chủ quan, sẵn sàng giải quyết các vấn đề mà đối tác quan tâm, bảo vệ lợi ích cốt lõi trên tinh thần các bên cùng có lợi.

Về động lực tiêu dùng, có 2 vấn đề quan trọng là tài khóa và tiền tệ. Về tài khóa, Việt Nam đã và tiếp tục tích cực giảm thuế, phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đột phá thể chế, các chính sách giảm thuế phí sẽ góp phần tích cực giảm chi phí. Về tiền tệ, các giải pháp giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh tiêu dùng.

Song song với làm mới các động lực truyền thống, cần tích cực triển khai các động lực mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hòan.

Để đi ngược xu hướng thế giới và đạt mức tăng trưởng cao, Việt Nam cần các giải pháp thích ứng linh hoạt; phải đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn với phương châm nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa trông rộng, phân công rõ người, rõ việc và thời gian thực hiện.

Về chính quyền hai cấp, đến nay, nhiều vấn đề cơ bản đã rõ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận yêu cầu của người dân và doanh nghiệp sang trạng thái chủ động tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là chuyển động quan trọng và cơ bản của việc thực hiện chính quyền hai cấp hiện nay. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện kết nối rộng hơn.

Trạng thái chuyển động này cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân với một trong những mục tiêu là cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ.

Chính phủ rất quyết liệt việc này để cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện được, cần làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các quy chuẩn và các điều kiện cần thiết khác, công khai các điều kiện và quy chuẩn để người dân thực hiện. Thay vì tiền kiểm thì chính quyền thực hiện hậu kiểm với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý rủi ro. Quản lý nhà nước chỉ làm việc quy hoạch, xây dựng chiến lược, xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, công cụ giám sát kiểm tra, tổng kết thi hành.

Về tiết kiệm và chống lãng phí, hiện đang xây dựng và hoàn thiện thể chế tổ chức thực hiện. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thực trạng lãng phí, đặc biệt liên quan các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Trong đó, chính sách điện gió, điện mặt trời vừa được giải quyết với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Hiện có 2.200 dự án tồn đọng với lượng vốn đầu tư lên tới 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương với 230 tỷ USD, khoảng 50% GDP. Đây là nguồn lực cần tháo gỡ. Các chính sách thể chế đang được xây dựng theo định hướng sai đâu gỡ đó, tháo gỡ về thể chế, pháp lý. Theo Thủ tướng, cần phải chấp nhận đây là "bệnh", mà có bệnh thì phải chữa và chữa đúng, phải mổ xẻ để chữa thì sẽ đau đớn và mất mát, phải chấp nhận và rút kinh nghiệm.

Về phân cấp phân quyền, Việt Nam đang thực hiện phân cấp phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực cùng công cụ kiểm tra, giám sát với các tiêu chí và quy định cụ thể theo xu hướng ai làm được thì phân cấp, ai quản lý và hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động thì phân công. Đây cũng là cách thức để chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm chi phí cơ hội.

Tin cùng chuyên mục