Bản tin thời sự sáng 25/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nghiên cứu lập sàn giao dịch vàng, người dân được tự do giao dịch, mua bán; Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đánh thuế bất động sản bỏ không; TP.HCM đề nghị tạo “luồng xanh” cho sà lan chở cát làm Vành đai 3…

Nghiên cứu lập sàn giao dịch vàng, người dân được tự do giao dịch, mua bán

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quản lý tốt, hiệu quả thị trường vàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quản lý tốt, hiệu quả thị trường vàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Chiều tối 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ một số vấn đề còn nổi lên với thị trường vàng thời gian qua như chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới, một số động thái của các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng có tính thao túng, găm hàng, đội giá.

Bên cạnh đó, việc buôn lậu vẫn còn phức tạp; việc quản lý còn có lúc, có nơi lỏng lẻo, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, điều kiện thực tế và diễn biến tình hình.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu quản lý tốt, hiệu quả thị trường vàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; có chính sách khai thác nguồn lực vàng trong dân để tham gia phát triển kinh tế - xã hội và không để thao túng thị trường, không để buôn lậu vàng.

Lãnh đạo Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Qua đó, đẩy mạnh sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo thêm công ăn việc làm.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1 - 2%, không thể để trên 10% như vừa qua.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp tăng cung và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường.

Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn và xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 6 năm nay.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đánh thuế bất động sản bỏ không

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu ban hành chính sách đánh thuế bất động sản đối với đất, nhà ở không sử dụng, phần chênh lệch giá đất với giá bán.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương nghiên cứu đánh thuế bất động sản bỏ không

Bộ Tài chính được giao khẩn trương nghiên cứu đánh thuế bất động sản bỏ không

Chiều 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý I, số dự án phát triển nhà ở thương mại tăng so với quý IV/2024 và so với cùng kỳ. Giá các loại hình bất động sản tiếp tục có xu hướng tăng nhưng mức độ tăng của mỗi loại hình tại mỗi thời điểm, mỗi vị trí, mỗi khu vực ở mỗi địa phương khác nhau.

Các đại biểu đánh giá, quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản còn hạn chế, có hiện tượng tạo giá ảo, đầu cơ; doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn; các biến động trong các lĩnh vực, kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, trái phiếu, lạm phát… Những vấn đề này đã tác động đến tâm lý, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi trong đấu giá đất, lũng loạn thị trường bất động sản, không để người dân bị lừa đảo.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp liên quan giải phóng mặt bằng phù hợp tình hình, nêu cao vai trò của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Các địa phương rà soát các dự án vướng mắc về pháp lý, đề xuất cơ chế để tháo gỡ; quy hoạch phát triển bất động sản phù hợp…

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, kịp thời tháo gỡ cho các dự án bất động sản còn khó khăn; nghiên cứu các thủ tục tích hợp các thủ tục đầu tư thành một nghị định; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư.

Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch đất do Nhà nước quản lý; nghiên cứu ban hành quy định hỗ trợ hạ tầng thiết yếu cho thị trường bất động sản…

Bộ Công an được yêu cầu vào cuộc xử lý ngay những phần tử thao túng, lũng đoạn thị trường...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu ban hành chính sách đánh thuế bất động sản đối với đất, nhà ở không sử dụng, phần chênh lệch giá đất với giá bán, có cơ chế xử lý các giao dịch không trong sáng. Bộ Tài chính được giao khẩn trương hình thành Quỹ phát triển nhà ở quốc gia trong tháng 6 năm nay.

TP.HCM đề nghị tạo “luồng xanh” cho sà lan chở cát làm Vành đai 3

Để rút ngắn thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thi công Vành đai 3, TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ tạo "luồng xanh" cho sà lan chở cát phục vụ công trình.

Công trường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi

Công trường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi

Theo công văn UBND TP.HCM gửi các đơn vị liên quan, quá trình vận chuyển cát từ miền Tây về phục vụ thi công Vành đai 3 (đoạn qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) đang gặp khó khăn do tình trạng kiểm tra chồng chéo giữa nhiều lực lượng trên các tuyến đường thủy nội địa.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cho Dự án đến cuối tháng 9 năm nay ước tính khoảng 3,6 triệu m3. Việc bị gián đoạn vận chuyển có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ thi công toàn tuyến.

Do đó, chính quyền TP.HCM đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (chủ đầu tư) thiết lập "luồng xanh" riêng cho hoạt động vận chuyển cát phục vụ Dự án Vành đai 3.

Trước đó, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nêu vướng mắc, quá trình đưa cát từ mỏ ở miền Tây về công trường Vành đai 3, sà lan phải qua nhiều trạm kiểm soát với các quy trình lặp lại, gây khó cho nhà thầu. Do đó, đơn vị kiến nghị tổ chức "luồng xanh" dành cho sà lan chở cát về công trường.

Theo ông Phúc, việc này không phải bỏ hẳn kiểm soát, mà vẫn yêu cầu nhà thầu tuân thủ các quy định về tải trọng, giấy tờ, hóa đơn, nguồn gốc cát, nhưng chỉ cần kiểm tra tại trạm đầu và lần lượt thông báo cho các trạm sau để tránh lặp lại thủ tục nhiều lần.

Theo thống kê, tổng nhu cầu cát đắp nền cho tuyến Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM khoảng 6,6 triệu m3. Tính đến nay, hơn 2,15 triệu m³ đã được huy động về công trường. Trong năm 2025, khối lượng cát cần bổ sung ước tính khoảng 3,75 triệu m3.

Phú Thọ chuẩn bị nhà ở lưu trú cho 4.405 cán bộ Vĩnh Phúc, Hòa Bình

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định, việc bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ sau sáp nhập với tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc là nhiệm vụ quan trọng.

TP. Việt Trì hiện được lựa chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ mới

TP. Việt Trì hiện được lựa chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ mới

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình dự kiến đăng ký lưu trú sau sáp nhập tỉnh là 4.405 người, trong đó cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 270 người.

Sở Tài chính Phú Thọ đã có phương án sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị phục vụ việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn.

Tổng số tài sản công đủ tiêu chuẩn gồm 479 trụ sở làm việc, 1.778 cơ sở hoạt động sự nghiệp; gần 390 ô tô; 56.660 máy móc, thiết bị và trên 4.000 tài sản khác.

Trước mắt, việc sắp xếp, xử lý tài sản công được ưu tiên theo hướng tôn trọng thực trạng, đảm bảo tính hiệu quả. Phú Thọ sẽ lựa chọn phương án bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công cho đơn vị hành chính cấp cơ sở mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo tránh lãng phí.

Dự kiến, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ tổ chức trong tháng 10. Đại hội sẽ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ mới, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tại cuộc họp mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định, việc bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ sau sáp nhập 3 tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, do đó cần rà soát lại các vị trí có phòng, nhà ở đang trống và bố trí phương tiện di chuyển tập trung.

Ông Châu cũng yêu cầu nghiên cứu phương án xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế.

Ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sẽ hợp nhất thành tỉnh Phú Thọ, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP. Việt Trì hiện nay.

Phú Thọ sẽ sử dụng toàn bộ trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Phú Thọ hiện tại để bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị của tỉnh mới.

Thu hồi dầu xả do Đoàn Di Băng quảng cáo, dừng hoạt động công ty

Cục Quản lý dược phát hiện lô dầu xả Hanayuki do ca sĩ Đoàn Di Băng quảng cáo chứa chất 2-phenoxyethanol, yêu cầu thu hồi và buộc hai công ty dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Cặp dầu gội, dầu xả Hanayuki được Đoàn Di Băng quảng cáo

Cặp dầu gội, dầu xả Hanayuki được Đoàn Di Băng quảng cáo

Ngày 24/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi lô dầu xả Hanayuki Conditioner chai 300 g, số lô 0010125, sản xuất ngày 5/1/2025, hạn dùng 4/1/2027. Sản phẩm do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group (TP.HCM) đưa ra thị trường và do Công ty TNHH EBC Group (Đồng Nai) sản xuất.

Yêu cầu của cơ quan này được đưa ra sau khi Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm lấy tại Công ty CP Nhà máy y tế EBC Đồng Nai. Theo đó, mẫu kiểm nghiệm chứa 2-phenoxyethanol, không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố.

Đây là sản phẩm thứ ba do ca sĩ Đoàn Di Băng quảng cáo bị thu hồi trong hơn 10 ngày qua. Tuần trước, lô dầu gội Hanayuki bị Sở Y tế Đồng Nai thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố vì kém chất lượng do chứa 2-phenoxyethanol, một mẫu đồng thời không đạt chỉ tiêu vi sinh. Lần này là dầu xả cùng thương hiệu với vi phạm tương tự.

Đoàn Di Băng từng là ca sĩ, diễn viên, sau đó kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Gần đây, cô liên tục vướng ồn ào liên quan quảng cáo.

Nữ ca sĩ từng quảng cáo cặp sản phẩm dầu gội dầu xả trên "là niềm tự hào của gia tộc Hanayuki". Công ty VB Group là pháp nhân đứng sau thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki. Ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng của Đoàn Di Băng - là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty này.

Ngoài ra, kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body mà Đoàn Di Băng quảng cáo cũng bị thu hồi do chỉ số SPF chỉ 2,4 - thấp hơn rất nhiều so với công bố trên nhãn (SPF 50).

Ngoài thu hồi sản phẩm, Cục Quản lý dược yêu cầu hai công ty VB Group và EBC Đồng Nai tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Lý do là trong 8 mẫu sản phẩm mỹ phẩm do VB Group đưa ra thị trường, EBC Đồng Nai sản xuất, có liên tiếp 3 mẫu vi phạm chất lượng.

Hai công ty phải báo cáo, giải trình, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan các lô sản phẩm vi phạm, theo yêu cầu làm việc của Sở Y tế Đồng Nai, TP.HCM và các cơ quan chức năng. Các Sở Y tế nhận yêu cầu thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm Hanayuki Conditioner - chai 300 g, tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan công an để điều tra.

Tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo bị cưỡng chế để xử lý nợ

Tàu cao tốc Mai Linh Express trị giá hàng chục tỷ đồng với sức chở 350 hành khách, chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo bị kê biên để thi hành án.

Tàu cao tốc Mai Linh Express tại bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Tàu cao tốc Mai Linh Express tại bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Ngày 24/5, Chi cục Thi hành án dân sự quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với Công ty CP Mai Linh Tây Đô, trụ sở tại địa phương. Động thái này nhằm thi hành bản án dân sự sơ thẩm số 60, do Tòa án nhân dân quận Cái Răng tuyên ngày 30/5/2024.

Tài sản bị kê biên là tàu cao tốc chở khách mang tên Mai Linh Express, dài 40 m, rộng hơn 10 m, tổng công suất máy chính 3.220 KW, được đóng năm 2019. Công ty bị cấm chuyển dịch, sang nhượng tàu cho đến khi thi hành xong bản án hoặc có quyết định khác từ cơ quan thi hành án.

Theo bản án, một người đàn ông ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ khởi kiện Công ty CP Mai Linh Tây Đô vì vi phạm hợp đồng vay vốn. Do quen biết, ông cho Công ty vay 1 tỷ đồng, từ ngày 14/8/2023 đến 31/12/2023, với lãi suất 12% mỗi năm.

Tuy nhiên, Công ty không trả nợ gốc và lãi như cam kết. Sau khi bị kiện, doanh nghiệp có trả 220 triệu đồng rồi dừng lại đến nay. Dù Tòa án nhiều lần triệu tập hợp lệ, phía Mai Linh Tây Đô không tham gia hòa giải và vắng mặt tại phiên tòa mà không có lý do.

Tàu Mai Linh Express từng khai thác tuyến vận chuyển hành khách đường thủy TP. Cần Thơ - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 2021. Tuy nhiên, tàu nhiều lần tạm ngừng hoạt động, rồi hoạt động lại vào các năm 2022, 2024 và tiếp tục dừng cho đến nay.

Cuối năm 2019, một đơn vị khác cũng khai thác tuyến Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo bằng tàu cao tốc 600 chỗ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tàu dừng đón khách tại Cần Thơ, chỉ còn hoạt động tuyến Trần Đề - Côn Đảo.

Phát hiện kho chứa gần 12.000 lon sữa bột không rõ nguồn gốc ở Long An

Trong một căn nhà ở huyện Cần Đước (Long An), cảnh sát phát hiện, thu giữ gần 12.000 lon sữa bột nghi là hàng giả, không rõ nguồn gốc.

Gần 12.000 lon sữa bột được đóng trong 963 thùng giấy

Gần 12.000 lon sữa bột được đóng trong 963 thùng giấy

Ngày 24/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Long An cho biết, đã phối hợp với cơ quan quản lý thị trường Tỉnh kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng chục nghìn lon sữa bột nghi là hàng giả, không rõ nguồn gốc tại một căn nhà thuộc huyện Cần Đước.

Vào khoảng 12h30 trưa 23/5, cơ quan công an cùng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hành chính căn nhà không số tại ấp Xóm Mới, xã Tân Lân do ông Hồ Văn Tú (39 tuổi, ngụ TP.HCM) làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện căn nhà này được dùng làm nơi tập kết sữa bột chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản, tạm giữ 11.856 lon sữa bột với tổng trọng lượng khoảng 25 tấn đã đóng trong 963 thùng giấy gồm các nhãn hiệu như Z1000 Gold +, Sanaki Grow IQ Plus (Sun), Gold 1+, Biotar Diest...

Phía chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến toàn bộ lô hàng bị tạm giữ.

Tin cùng chuyên mục