Quốc lộ 12A, đoạn Khe Ve - Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao. Ảnh: Uông Tân |
Đáng chú ý, theo đề xuất, dự án có vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng này sẽ không sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước, mà chỉ sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư.
Không sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, trong điều kiện ngân sách của Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, đề xuất này của Công ty CP Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long là một hướng huy động vốn xã hội hóa phù hợp với chủ trương của Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Tập trung nguồn lực để xây dựng, nâng cấp một số tuyến có nhu cầu vận tải lớn; phát triển hệ thống đường bộ đảm bảo tính kết nối với hệ thống đường bộ các nước trong khu vực để chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ… Vì vậy, đề xuất trên, theo UBND tỉnh Quảng Bình, là hoàn toàn hợp lý.
UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết, thực hiện hợp đồng BOT này theo đúng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Tuyến giao thông huyết mạch chưa xứng tầm
Trong những năm qua, tuyến đường trên đã được Bộ GTVT đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành với tiêu chuẩn từ cấp III - IV. Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng xe lưu thông trên tuyến Quốc lộ 12A từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến đường Hồ Chí Minh (Ngã ba Khe Ve) với chiều dài 38,5 km, chủ yếu là các xe vận tải hạng nặng, xe container vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Lào, trong khi quy mô đoạn tuyến hiện tại chỉ là đường cấp IV miền núi, độ dốc dọc tuyến lớn, bán kính đường cong nằm nhỏ nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.
Mặt khác, theo Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, đến năm 2020, Quốc lộ 12A phải hoàn thiện xây dựng, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Đó là chưa kể đến Đề án kết nối giao thông của Bộ GTVT, trong đó có kế hoạch ưu tiên thực hiện từ năm 2016 - 2020 sẽ nâng cấp tuyến Quốc lộ 12A phía Việt Nam, đoạn từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến đường Hồ Chí Minh, từ cấp IV miền núi lên cấp III ASEAN để khuyến khích và tăng cường sử dụng cảng Hòn La, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Lào có kho bãi tại cảng này, giúp thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa và dầu khí của Lào cũng như cho phép các doanh nghiệp của Lào đầu tư xây dựng và khai thác tuyến đường ống vận chuyển dầu khí từ cảng Hòn La về Lào.