Hoạt động khai thác vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu vẫn tiếp diễn gây ô nhiễm môi trường. |
Theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực thuộc đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu có tổng diện tích 368ha, gồm khu Hố Gần 230ha; khu Núi Kẽm 100ha, trong đó diện tích bãi đổ thải 28ha; khu phụ trợ Núi Kẽm 10ha.
Kinh phí thực hiện gần 19,5 tỉ đồng do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại kho bạc Nhà nước huyện Phú Ninh và nguồn bổ sung từ ngân sách tỉnh Quảng Nam theo quy định. Thời gian thực hiện việc đóng cửa mỏ là 12 tháng.
Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường sẽ sớm vào làm việc với UBND tỉnh để triển khai kế hoạch thực hiện đề án.
Nhiều năm qua, từ khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu hết hạn khai thác, hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây diễn ra hết sức phức tạp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác truy quét, nhưng hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn cứ tiếp diễn. Các đối tượng sử dụng hóa chất để làm vàng, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm dòng sông Bồng Miêu, sông Quế Phương khiến nhân dân rất bức xúc.
Hơn 1 tuần trở lại đây, việc khai thác vàng trái phép tại mỏ Bồng Miêu diễn ra rầm rộ. Lượng lớn đất đỏ và hóa chất trong quá trình làm vàng đổ xuống dòng sông Bồng Miêu, sau đó chảy ra sông Quế Phương và sông Tiên (huyện Tiên Phước) khiến người các xã Tiên Lập, xã Tiên Lộc và thị trấn Tiên Kỳ bức xúc.
UBND huyện Tiên Phước đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan của huyện phối hợp với UBND xã Tiên Lập tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý một số mỏ khai thác vàng trái phép tại khu vực xã Tiên Lập giáp ranh xã Tam Lãnh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác vàng tại xã Tam Lãnh mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc các con sông bị ô nhiễm.