Quảng Nam định vị hai cực tăng trưởng Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Quảng Nam đang cùng lúc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển TP. Hội An và khu vực huyện Núi Thành theo hai thế mạnh khác nhau. Trong đó, phía Nam là công nghiệp cơ khí gắn với dịch vụ cảng biển, còn phía Bắc là phát triển du lịch văn hóa bền vững với đô thị cổ Hội An theo hướng cộng hưởng và thúc đẩy sự tăng trưởng đồng đều. Quảng Nam dự kiến cần nguồn vốn 19.000 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch tại khu vực phía Nam.
Tỉnh Quảng Nam định hướng xây dựng TP. Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, mang tầm vóc quốc tế. Ảnh: Minh Hạnh
Tỉnh Quảng Nam định hướng xây dựng TP. Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, mang tầm vóc quốc tế. Ảnh: Minh Hạnh

Huyện Núi Thành ở phía Nam tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi. Đây có lẽ là huyện trù phú và giàu có nhất tỉnh Quảng Nam nếu nói về tiềm năng phát triển và các dự án công nghiệp (Khu phức hợp sản xuất ô tô Thaco), du lịch (bãi biển Tam Thanh, xã đảo Tam Hải), dịch vụ cảng biển (cảng Chu Lai, Tam Hiệp), cảng hàng không (Sân bay Chu Lai).

Trong khi đó, TP. Hội An ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách TP. Đà Nẵng gần 30 km. Hội An vốn dĩ là đô thị cổ, điểm đến du lịch hấp dẫn nhờ những căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi với mái ngói rêu phong và những tuyến phố luôn nhộn nhịp du khách. Gần đây, Hội An mở rộng không gian phát triển nhờ được quy hoạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ, kéo theo những dự án đô thị hiện đại mang dáng dấp và hơi thở của kiến trúc cổ xưa.

Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ để một vùng đất tiềm năng như Núi Thành bật dậy thành cực tăng trưởng mới, chưa đủ để đặt trọn niềm tin vào một Hội An phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá lâu đời. Tỉnh Quảng Nam đang tăng tốc tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị quản lý về Đồ án quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở phía Nam thuộc huyện Núi Thành và Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng để thúc đẩy các cực tăng trưởng kinh tế mới.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để khai thác và thúc đẩy cực tăng trưởng phía Nam, tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch để đáp ứng đề xuất của nhiều nhà đầu tư thời gian qua.

“Quy hoạch gắn kết với Sân bay Chu Lai cùng hệ thống đường bộ đang được đề xuất đầu tư về phía Tây nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa địa phương trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”, ông Thanh kỳ vọng.

Để thực hiện ý tưởng quy hoạch đó, điều ông Thanh trăn trở là kinh phí thực hiện. “Quảng Nam rất cần các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, khoảng 19.000 tỷ đồng, để thực hiện chiến lược quy hoạch dài hơi trên”.

Song song với phát triển cực tăng trưởng phía Nam, Quảng Nam đồng thời tiến hành quy hoạch TP. Hội An ở phía Bắc để đến năm 2025 trở thành đô thị loại 2 thuộc cụm đô thị động lực số 1 của Tỉnh. Tầm nhìn chiến lược của quy hoạch là xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, mang tầm vóc quốc tế, hài hòa và thống nhất về các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường để nâng cao niềm tự hào về Hội An.

Theo ông Lê Trí Thanh, định hướng đến năm 2035, với quỹ đất hạn chế và yêu cầu về việc lưu trữ các giá trị đặc trưng, Hội An được đề xuất phát triển đô thị chủ yếu về phía Tây. Tầm nhìn đến năm 2050, đề xuất mở rộng đô thị ra vùng phụ cận, nhất là về hướng Nam để giữ cân bằng trong sự phát triển, liên kết chặt chẽ với các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP. Tam Kỳ và TP. Đà Nẵng.

“Quy hoạch do Công ty AREP (Pháp) làm đại diện Liên danh tư vấn. Tỉnh Quảng Nam đồng tình với quan điểm tư vấn đưa ra là quy hoạch TP. Hội An 30 năm tiếp theo gắn với bảo vệ, tái tạo rừng ngập mặn; có quy định quản lý, không gian xây dựng trên bộ, nhất là với đường bờ biển; nâng cao giá trị cảnh quan và khôi phục liên kết các dòng sông cũng như bảo vệ đường bờ sông; cân đối phát triển du lịch với các ngành kinh tế”, ông Thanh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục