Quảng Ngãi: Nhẹ nỗi lo giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đưa Quảng Ngãi vào Top 10 địa phương giải ngân đầu tư công tốt nhất trên cả nước. Nỗi lo chậm tiến độ đã vơi nhẹ trên vai lãnh đạo Tỉnh và thay vào đó là những giải pháp quyết liệt hướng đến mục tiêu về đích 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đúng hẹn 31/12/2022.
Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc là công trình được bố trí lượng vốn đầu tư công lớn của tỉnh Quảng Ngãi (khoảng 1.500 tỷ đồng). Ảnh: Hà Minh
Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc là công trình được bố trí lượng vốn đầu tư công lớn của tỉnh Quảng Ngãi (khoảng 1.500 tỷ đồng). Ảnh: Hà Minh

Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến cuối tháng 7/2022, giải ngân đầu tư công toàn Tỉnh mới chỉ đạt 1.437 tỷ đồng về giá trị, bằng 32% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 21,8% kế hoạch vốn HĐND Tỉnh giao. Tuy nhiên, sang tháng 8 và tháng 9, kết quả được cải thiện rõ rệt với số vốn đầu tư công giải ngân đạt khoảng 3.864,326 tỷ đồng, bằng 85,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 61,9% kế hoạch vốn HĐND Tỉnh giao.

9 tháng đầu năm, Quảng Ngãi có 11 đơn vị đạt kết quả giải ngân cao hơn mức bình quân chung của Tỉnh, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an Tỉnh, Ban QLDA các công trình giao thông Tỉnh; UBND các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Trà Bồng, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Minh Long, Sơn Tây và TX. Đức Phổ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 12 cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 60%.

Kết quả giải ngân tích cực trên, theo bà Mỹ Ái, đến từ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương, ý thức của các chủ đầu tư và nỗ lực đốc thúc tiến độ thi công hiện trường đối với các nhà thầu. “Tháng nào Sở KH&ĐT cũng họp giao ban định kỳ; quý nào Chủ tịch UBND Tỉnh cũng giao ban giữa chủ đầu tư, các đơn vị quản lý, giải ngân vốn để kịp thời tháo gỡ, điều chuyển và chỉ đạo thanh quyết toán vốn. Không những vậy, những chuyến kiểm tra hiện trường dự án theo kế hoạch và đột xuất của lãnh đạo Tỉnh đã “buộc” các chủ đầu tư, nhà thầu phải tăng ca, tăng kíp để tăng khối lượng công việc và kịp thời giải ngân, quyết toán khối lượng công trình”, bà Ái chia sẻ.

Đánh giá về kết quả 9 tháng, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, giải ngân vượt tiến độ cũng đã phần nào khẳng định biện pháp ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư với điều kiện cụ thể, như giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn thì UBND Tỉnh sẽ cắt vốn, thu hồi vốn về Tỉnh... Kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm đặt niềm tin cho Quảng Ngãi đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công vào ngày 31/12/2022.

Để về đích 100% kế hoạch năm đúng hạn, ông Đặng Văn Minh cho rằng, phải giải ngân các nguồn vốn đã được giao, nhất là các nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022. “Vốn đầu tư công hiện nay nằm ở các dự án lớn về hạ tầng, như tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, cầu Cửa Đại, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, cầu và đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (cầu Trà Khúc 3), đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong… Vì vậy, Tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động, thường xuyên rà soát tiến độ thi công, khả năng thực hiện dự án và phân công lãnh đạo trực tiếp điều hành, theo dõi, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh từng dự án, đảm bảo việc thi công công trình xuyên suốt, liên tục, không gián đoạn; đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công”, ông Minh nói.

Một vấn đề then chốt để vốn đầu tư công “chảy” theo tiến độ là việc thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân. Với công đoạn này, ông Đặng Văn Minh cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi. “Trong 04 ngày làm việc phải hoàn tất thủ tục quyết toán cho nhà thầu”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, trường hợp dự án đã hết thời gian thực hiện, nhưng còn vướng mắc chưa xử lý, cần chủ động báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, cho phép quyết toán theo khoản 4, 5, Điều 32 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tránh tình trạng dự án kéo dài qua nhiều năm không được quyết toán.

Tin cùng chuyên mục