Quảng Ngãi: Tạo đột phá từ hạ tầng, mở không gian phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xác định hạ tầng là lĩnh vực quan trọng, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ngãi đã và đang tập trung nguồn lực cho kết cấu hạ tầng gắn với một số công trình hiện đại. Sau nửa nhiệm kỳ phấn đấu, những dấu ấn đầu tư lĩnh vực này đã được cụ thể hóa và dần rõ nét.
Cầu Trà Khúc 1 thiết kế theo kiến trúc bờ xe nước Sông Trà đang được Quảng Ngãi hoàn tất thủ tục đầu tư. Ảnh: Hà Minh
Cầu Trà Khúc 1 thiết kế theo kiến trúc bờ xe nước Sông Trà đang được Quảng Ngãi hoàn tất thủ tục đầu tư. Ảnh: Hà Minh

Phóng viên Báo Đấu thầu đã trao đổi với ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xung quanh câu chuyện đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.

Ông Đặng Văn Minh

Ông Đặng Văn Minh

Xin ông chia sẻ những kết quả về đầu tư, phát triển hạ tầng mà Quảng Ngãi đã đạt được thời gian qua?

Được sự quan tâm hỗ trợ có hiệu quả của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của Tỉnh, trong những năm vừa qua, Quảng Ngãi đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Đến nay, tổng chiều dài đường bộ tỉnh Quảng Ngãi đạt 9.159,35 km. Trong đó, một tuyến cao tốc dài 40 km; 5 tuyến Trung ương đầu tư (gồm 4 quốc lộ và đường Đông Trường Sơn) dài khoảng 421,89 km; 12 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng 434,2 km. Các tuyến đường do Trung ương đầu tư bước đầu đã hình thành các trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây chính trên địa bàn Tỉnh, làm cơ sở để các tuyến đường địa phương kết nối hình thành mạng lưới đường bộ liên hoàn. Từ những dự án mang tính bản lề này, Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2025 phải đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 24/8/2021 của Tỉnh ủy và theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu là mở rộng không gian đô thị, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư, liên kết chặt chẽ với các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nối với các tỉnh Tây Nguyên đi nước bạn Lào, Campuchia và Thái Lan.

Một số dự án mà Quảng Ngãi đã, đang và sẽ triển khai là đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; đường nối từ cầu Thạch Bích đi Tịnh Phong; đường dẫn và cầu Trà Khúc 3 nối từ huyện Tư Nghĩa đến trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới; đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (dự kiến khởi công cuối tháng 12/2023); cầu Trà Khúc 1 đã chọn được phương án kiến trúc; tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; nâng cấp các tuyến Quốc lộ 24, 24B, 24C…

Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu tổng quát của Quảng Ngãi là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Trong đó, ngân sách nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng của Tỉnh, có sức lan tỏa, tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng mà các thành phần kinh tế khác không tham gia đầu tư; hoàn thiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó, đầu tư hoàn thành đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn II; đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Nâng cấp, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới các tuyến chính ra vào TP. Quảng Ngãi kết nối đến trung tâm các huyện, khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu, điểm du lịch; đầu tư hoàn thiện một số tuyến giao thông huyết mạch kết nối giữa các địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, nhựa hóa, cứng hóa 100% đường huyện và 90% đường xã.

Dù đã nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định, nhưng hạ tầng Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển theo kỳ vọng của lãnh đạo Tỉnh, của người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp đến Quảng Ngãi tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Hệ thống kết cấu hạ tầng của Tỉnh vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kể cả trước mắt và lâu dài, nhất là về hạ tầng giao thông. Nguyên nhân khách quan là do nguồn lực của Tỉnh còn hạn chế, hỗ trợ của Trung ương ở mức độ nhất định, điều này đã tác động tiêu cực đến việc huy động và cân đối vốn để phát triển kết cấu hạ tầng. Không những vậy, nguồn thu từ phát triển quỹ đất, huy động vốn đầu tư xã hội còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan do là công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch ở thời kỳ trước chất lượng thấp; quy hoạch xây dựng chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực; tư duy về kinh tế thị trường trong huy động nguồn lực chưa được đổi mới, chủ yếu tập trung vào nguồn lực công; thiếu cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, chậm trễ, trong đó một phần nguyên nhân là do công tác quản lý đất đai của một số địa phương qua các thời kỳ còn buông lỏng, chưa chặt chẽ.

Khi nhận diện được những khó khăn, bất cập, Quảng Ngãi có các cam kết hành động, giải pháp gì để đầu tư lĩnh vực hạ tầng hiệu quả hơn, thưa ông?

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 Quảng Ngãi đã đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong đó, đầu tư công cho các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn, thật sự cần thiết, cấp bách; các công trình an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư; khuyến khích thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể...

Quảng Ngãi đã tập trung rà soát, lập quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm đồng bộ, hiện đại và có tính khả thi để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, xây dựng danh mục các công trình, dự án kết cấu hạ tầng để tập trung ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Song song đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng bằng cách rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tạo sự đột phá trong thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục