Quảng Ninh: Gỡ khó giải ngân đầu tư công lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là địa phương luôn có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Ninh vẫn trong danh sách những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Ninh, việc giải ngân vẫn chưa đạt theo chỉ đạo của Tỉnh, do nhiều nguyên nhân.
Đến ngày 30/6/2022, 7/8 dự án y tế được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 tại Quảng Ninh chưa giải ngân được kế hoạch vốn. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Đến ngày 30/6/2022, 7/8 dự án y tế được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 tại Quảng Ninh chưa giải ngân được kế hoạch vốn. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Một trong những lĩnh vực chậm giải ngân tại Quảng Ninh là y tế. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 7/8 dự án y tế được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 đến 30/6/2022 chưa giải ngân được kế hoạch vốn. Lý do UBND tỉnh Quảng Ninh nêu ra là do khó khăn trong công tác thuê tư vấn thẩm định giá, tiêu chuẩn định mức có sự thay đổi. Mặt khác, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/4/2021 quy định, “không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”.

UBND Tỉnh đang rà soát lại phần thiết bị y tế trong các dự án, đồng thời đề xuất theo hướng tách phần trang thiết bị chuyên dùng ra khỏi dự án, giao cho các đơn vị mua sắm bằng nguồn chi thường xuyên để tháo gỡ khó khăn.

Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, trong thời gian qua, Sở phối hợp với Sở Y tế, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan rà soát theo hướng chỉ đầu tư các trang thiết bị cấp thiết đã được Bộ Y tế công bố trên Cổng thông tin điện tử; đối với các trang thiết bị chưa cần thiết và không còn phù hợp sẽ dừng không đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Sở sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các đơn vị rà soát căn cứ pháp lý để triển khai hoàn thành dứt điểm các dự án theo thời gian đã được phê duyệt điều chỉnh.

Đó chỉ là một trong những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh. Theo số liệu của Sở KH&ĐT Quảng Ninh, tính đến 30/6/2022, tỷ lệ giải ngân của Tỉnh đạt 53,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn giải ngân bình quân của cả nước. Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn đã được HĐND Tỉnh giao thì chưa đạt.

Theo Sở KH&ĐT Quảng Ninh, khó khăn lớn nhất hiện nay là biến động của giá nguyên nhiên vật liệu quá lớn ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu ký hợp đồng trọn gói, các gói thầu về hạ tầng; tuyển dụng lao động khó khăn dẫn đến đơn giá nhân công tăng để cạnh tranh thu hút nhân lực.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản và tăng trưởng kinh tế. 12 dự án khởi công mới được bố trí 2.196 tỷ đồng, đến 30/6/2022, mới giải ngân được 226 tỷ đồng, đạt 10,3% kế hoạch, có dự án chưa khởi công. Việc giải ngân chậm do đây là các dự án khởi công mới nên cần triển khai thủ tục thẩm định phê duyệt thiết kế - thi công, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, thông thường mỗi dự án kéo dài khoảng 4 - 6 tháng. Sở KH&ĐT cho biết đã làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Các chủ đầu tư cam kết đến hết 30/9/2022 đạt 80% và đến 31/12/2022 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn phải điều chỉnh tăng phương án giải phóng mặt bằng với kinh phí rất lớn, mất nhiều thời gian để hoàn thành dẫn đến chưa thực hiện giải ngân. Công tác nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành vào sử dụng và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư còn chậm, chưa thể phân khai nguồn vốn ngay từ đầu năm...

Sở KH&ĐT cho biết Tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tạo đà cho tăng trưởng của Tỉnh trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục