Quảng Trị đề nghị bổ sung cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo vào danh mục vốn 2026 - 2030

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại cầu vượt đường tỉnh lộ 579
Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại cầu vượt đường tỉnh lộ 579

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, ưu tiên bổ sung Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo vào danh mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của ngành giao thông vận tải (GTVT) để triển khai các thủ tục tiếp theo, sớm hoàn thành dự án động lực cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ kết nối nội vùng với ngoại vùng theo hướng Đông Tây…

Trước đó, tháng 2 và tháng 5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và quan tâm hỗ trợ, bố phần vốn nhà nước tham gia vào Dự án từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương giai đoạn 2023 - 2025, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền kêu gọi đầu tư Dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ năm 2022.

Hiện nay, hồ sơ đề xuất Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP đã được hoàn thiện với chiều dài 56 km, quy mô 4 làn xe hoàn thiện, bề rộng nền 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 13.952 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đắkrông, Cam Lộ, Triệu Phong.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, để đảm bảo tính khả thi, phương án tài chính, thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách theo phương thức PPP cần sự tham gia vốn nhà nước rất lớn, vượt tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định tại Luật PPP.

Đây là tuyến đường được xác định là tuyến động lực cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ kết nối nội vùng với ngoại vùng của các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông ngắn nhất, thuận lợi nhất.

Tuyến cao tốc này kết nối theo hướng Đông Tây, có địa hình, địa chất thuận lợi nhất, là tuyến đường ngắn nhất kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan (qua Mukdahan), cầu Hữu Nghị 2 với chiều dài khoảng 320 km.

Tin cùng chuyên mục