Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp phát triển |
Bên cạnh đó còn có các ý tưởng độc đáo như máng ăn tự động cho heo, mô hình cho thuê nhà ở online, kinh doanh sản phẩm “khó nói”…
Đây là một số trong hàng triệu ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của người Việt trong và ngoài nước, được truyền cảm hứng từ khi Chính phủ phát động năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp.
Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Nhiều người không thể quên, tại Lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một câu nói chạm đến trái tim nhiều người: “Làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Vì các bạn không chỉ là tiềm năng, là tương lai mà còn là động lực quyết định đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam…”.
Tinh thần khởi nghiệp đã gắn vào dòng lịch sử đất nước và con người Việt từ thuở hồng hoang. Ký ức và tuổi thơ của người Việt được nuôi dưỡng với nhiều câu chuyện dân gian, như chuyện Con Rồng, Cháu Tiên. Không ai biết tác giả câu chuyện này là ai và nó cứ lan truyền một cách tự nhiên từ đời này qua đời khác. Hai người đã chia nhau người lên rừng, kẻ xuống biển để lập nghiệp, mỗi người mang theo 50 người con. Câu chuyện truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ là minh chứng cho thấy tinh thần khởi nghiệp đã có trong dòng máu người Việt từ thửa xa xưa đó.
Việt Nam đã có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp và có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thực tế diễn ra trên thế giới cho thấy các nước nghèo vẫn nghèo, dân chúng vẫn lầm than, nhiều nước rất giàu tài nguyên nhưng vẫn kiệt quệ bởi vì quốc gia đó không quan tâm đến tinh thần khởi nghiệp hoặc bởi nơi đó tinh thần khởi nghiệp èo uột. Tại một số quốc gia, khởi nghiệp vẫn là một khái niệm trừu tượng ở nơi không tồn tại một nền kinh tế thị trường và Chính phủ không công nhận bất cứ khái niệm nào về doanh nhân hay khởi nghiệp. Mỗi cá nhân tự kinh doanh chỉ có thể thuê một số lượng nhân công giới hạn và phải chịu một mức thu nhập trần. Kinh doanh bắt buộc phải có quy mô và tăng trưởng, đằng này Chính phủ lại giới hạn điều đó. Có nơi, Internet bị kiểm soát, chỉ được vào trong 15 phút. Điều này thật sự làm nhiều người bối rối.
Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển lại bắt đầu từ các hoạt động tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và nắm bắt các cơ hội sáng tạo một cách tuyệt vời để phát triển đất nước. Câu chuyện của Thụy Điển, quốc gia mà 100 năm trước nghèo nhất châu Âu, nay đã là nước phát triển thịnh vượng, dẫn đầu thế giới về chỉ số năng động và cạnh tranh, chỉ với bí quyết chính là Đổi mới sáng tạo là một ví dụ. Hay như nước Pháp cũng đang rất sốt ruột để củng cố vị thế trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Vị Tổng thống Pháp trẻ tuổi Emmanuel Macron vừa công bố hàng loạt các biện pháp như đưa ra một loại thị thực mới là Thị thực công nghệ Pháp, với quy trình cấp giấy phép cư trú 4 năm nhanh hơn và đơn giản hơn dành cho các doanh nhân và gia đình họ đến Pháp, và công bố một quỹ trị giá 10 tỷ Euro chỉ với mục đích thu hút nhân tài nước ngoài tới Pháp và thúc đẩy các sáng kiến công nghệ.
Nâng tầm phong trào khởi nghiệp thành một cuộc cách mạng
Nhà nước có vai trò định hướng để chỉ rõ cho người khởi nghiệp những kinh nghiệm đi tới thành công và lường tránh sự thất bại. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp phát triển. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ra 3 Nghị quyết rất quan trọng về kinh tế, trong đó có vấn đề “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp. Và Chính phủ đã đưa ra 5 điều kiện khởi nghiệp bên trong từ tầm vĩ mô. Một Nghị định về đầu tư khởi nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng đang được xã hội đón đợi.
Số lượng doanh nghiệp và tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2000 - 2015
Các đặc điểm nhận ra của 2 năm qua là sự nở rộ hơn về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, đa dạng hơn về lĩnh vực như fintech, nông nghiệp, thực phẩm… với nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường hơn, và truyền thông có vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp. Nếu như năm 2015, các nhà đầu tư còn âm thầm và lặng lẽ thì trong 2 năm 2016 và 2017 họ bước vào cuộc chơi với tâm thế chủ động. Không những vậy, họ tập trung lại, gắn kết hơn, nhờ đó sức lan tỏa cũng rộng hơn. Những hồ sơ của các dự án khởi nghiệp Việt Nam cũng được cải thiện tốt dần lên xét trong tương quan so sánh với khởi nghiệp của các nước trong khu vực. Các mô hình thành công như Up Co-working space, DesignBold, Ticketbox, Monkey Junior, Gotit, Money love… khiến cho thị trường khởi nghiệp trở nên sôi động và hấp dẫn, thu hút những người chơi có trí tuệ và rất sáng tạo. Hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp và có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cả nước có khoảng 21 vườn ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh cho khởi nghiệp.
Nguồn vốn và tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2000 - 2015
Trước sức phát triển mạnh mẽ nêu trên, có nhiều quan điểm cho rằng, cần nâng tầm phong trào khởi nghiệp thành một cuộc cách mạng. Lập luận này không phải không có lý nếu nhìn nhận khởi nghiệp như là mệnh lệnh của một cuộc cách mạng công nghiệp. Sau mỗi lần cách mạng công nghiệp diễn ra đều tạo ra một thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp mới, đồng nghĩa với việc ra đời những thế hệ khởi nghiệp hoàn toàn mới, với những phương thức kinh doanh được thay thế liên tục, thậm chí phủ nhận mô hình kinh doanh cũ. Lập luận này cũng được củng cố thêm từ những tính toán như: chưa đầy 5 phút, tính trung bình ở Việt Nam lại có thêm một doanh nghiệp mới ra đời.
Khắp nơi bàn về khởi nghiệp một cách sôi động, thậm chí dẫn đến những lo lắng đây là một phong trào mang tính nhất thời và hình thức. Lẽ thường, trong quá trình mở rộng không thể tránh khỏi một số lượng lớn doanh nghiệp khởi nghiệp bị chạy theo "phong trào". Nhưng cũng cần nhìn nhận khách quan, đây chính là thời gian quá độ để thanh lọc được "tinh chất". Hơn nữa, đồng thời với việc thành lập mới, hiện mỗi ngày trung bình có khoảng 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động và việc phá sản doanh nghiệp còn đang là vấn đề nhức nhối. Doanh nghiệp sẽ không thể tái sinh bởi không được "chết" đi đúng nghĩa. Xét dài hạn, gốc rễ vẫn phải là tạo ra những mô hình khởi nghiệp chất lượng, có đẳng cấp, thay vì chạy theo mục tiêu tạo ra con số triệu doanh nghiệp.
Tốc độ phát triển bình quân một số chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp
Cú bấm nút của 77% số người tham dự Diễn đàn Doanh nhân trẻ và Thanh niên khởi nghiệp mới đây cho thấy niềm tin và hi vọng tích cực vào một Việt Nam có thể trở thành một Quốc gia khởi nghiệp. Tăng trưởng kinh tế không thể dựa vào những lợi thế cũ như tài nguyên thiên nhiên và lao động vốn đang bị mai một dần, mà cần phải dựa trên đổi mới sáng tạo.
Thay cho lời kết là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Các tiềm năng tĩnh đã tới giới hạn, phải chuyển sang các tiềm năng động là sự sáng tạo, là thể chế, là mô hình mới để tạo ra các cú hích mới. Cho dù các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, chúng ta vẫn còn nguồn tài nguyên giàu có và tiềm tàng - Đó chính là chất xám, là trí tuệ".
Cơ hội và vận hội không thể bỏ qua.