Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định EIVPA sáng ngày 8/6/2020 |
Hiệp định EVIPA gồm 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục, sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.
Theo đánh giá, việc thực thi Hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.
Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong Khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Báo cáo thuyết minh về Hiệp định của Chính phủ cũng chỉ ra, EVIPA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA có tác động tích cực giúp Việt Nam thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, phục hồi nền kinh tế. Hiệp định tác động tích cực với hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và thu hút FDI; hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra...
Hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê chuẩn EVIPA đồng thời với EVFTA tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD. Việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.
EVIPA được đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua chỉ sau ít phút trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA.