Quy định về PPP sẽ có nhiều thay đổi tích cực

(BĐT) - Những khiếm khuyết trong thực hiện dự án BOT, BT giai đoạn trước đang để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân cũng như gây ra tâm lý e ngại cho những nhà đầu tư chân chính đối với hình thức đầu tư này.
Khắc phục tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, năng lực tài chính không đảm bảo, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15 quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Khắc phục tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, năng lực tài chính không đảm bảo, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15 quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Việc sửa đổi quy định về thực hiện các dự án PPP nói chung, BOT và BT nói riêng, trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, mở đường cho thực hiện các dự án PPP thời gian tới, bởi trong bối cảnh nguồn lực công hạn hẹp, BOT, BT và PPP nói chung vẫn là hình thức đầu tư cần khuyến khích.

Sáng 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp về dự thảo các Nghị định thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Những quy định về thực hiện dự án PPP sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn trong thực hiện dự án nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. 

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Tháo gỡ đầu tiên đó là về quy định liên quan đến phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP. NĐ 15 quy định vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án chỉ bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quy định hiện hành sẽ hạn chế sự tham gia từ các nguồn vốn đầu tư công hợp pháp khác (nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập...). Ngoài ra, không thanh toán được đối với các loại hợp đồng BTL, BLT (có thời gian hợp đồng 20 - 30 năm) nếu sử dụng vốn đầu tư công theo kế hoạch trung hạn 5 năm; Nhà nước không hỗ trợ được trong giai đoạn xây dựng nhằm làm tăng tính khả thi của dự án BTL, BLT.

Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15 sửa đổi theo hướng bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, vốn góp của Nhà nước (để hỗ trợ xây dựng công trình) được bổ sung từ nguồn là giá trị tài sản công, quyền khai thác tài sản công, đảm bảo theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội thông qua; đồng thời cho phép áp dụng đối với tất cả các loại hợp đồng (không hạn chế trong các loại hợp đồng BOT, BTO, BOO). Riêng vốn góp được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không được áp dụng hỗ trợ cho loại hợp đồng BT.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, vốn thanh toán cho nhà đầu tư (để Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BTL, BLT) được bổ sung từ nguồn chi thường xuyên và nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Ngoài ra, đối với việc vốn nhà nước có hỗ trợ dự án do nhà đầu tư đề xuất hay không, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ KH&ĐT trình Chính phủ xem xét 2 phương án: cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất khi dự án không áp dụng hình thức chỉ định thầu (hiện đang trình tại Dự thảo Nghị định); và giữ nguyên quy định hiện hành - không sử dụng vốn nhà nước trong dự án do nhà đầu tư đề xuất.

Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15 cũng có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan quyết định chủ trương đầu tư; bỏ quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; sửa đổi, bổ sung quy định về ủy quyền, phân cấp ký kết hợp đồng và thực hiện dự án... So với NĐ 15, Dự thảo Nghị định thay thế gồm 11 Chương, 77 Điều, trong đó đã sửa đổi 42 Điều, bỏ Chương về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời bổ sung Chương về dự án BT và bổ sung 8 Điều. 

Tăng yêu cầu về năng lực của nhà đầu tư

Khắc phục tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, năng lực tài chính không đảm bảo, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15 quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư. Cụ thể, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư (quy định hiện hành là 15%); đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, nhà đầu tư phải có mức vốn chủ sở hữu tối thiểu lần lượt là 20% và 10% đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng và trên 1.500 tỷ đồng.

Đồng thời, để gắn trách nhiệm của nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu dự án PPP, hạn chế việc mượn danh đấu thầu, bán dự án dẫn đến chậm tiến độ và nhiều hệ lụy khác, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 15 quy định nhà đầu tư chỉ được phép chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng và quy định điều kiện, năng lực của bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp đồng dự án.

Để tạo thuận lợi cho giám sát dự án PPP, Dự thảo quy định yêu cầu bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải đánh giá tác động của hình thức PPP đối với cộng đồng, dân cư thuộc phạm vi dự án khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để quyết định chủ trương đầu tư và khảo sát ý kiến cộng đồng, dân cư trong phạm vi tác động của việc đầu tư thực hiện dự án khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi ký kết hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm minh bạch thông tin và tăng sự giám sát của cộng đồng, người dân...

Tin cùng chuyên mục