Quy hoạch Gia Lai trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030 , tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt cần phải tạo dấu mốc giúp Tỉnh chủ động kiến tạo tương lai, phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo dựa trên các nền tảng cơ bản. Đó là yêu cầu được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh nêu tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Gia Lai chiều 11/8.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh phát biểu tại Phiên họp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh phát biểu tại Phiên họp

Dấu mốc giúp Tỉnh chủ động kiến tạo tương lai

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá, tỉnh Gia Lai là địa phương có vị trí chiến lược, sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt về du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khi có vị thế đứng thứ nhất về diện tích, đứng thứ hai về dân số vùng Tây Nguyên, với TP. Pleiku là đô thị trung tâm vùng Bắc Tây Nguyên nhưng GRDP năm 2020 đứng thứ ba trong vùng Tây Nguyên (chiếm 25% toàn vùng, đạt 80.990 tỷ đồng, sau Đắk Lắk, Lâm Đồng); GRDP bình quân đầu người đạt 51,887 triệu đồng/người/năm (xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố), lùi 8 bậc so với năm 2010 (xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố); tỷ lệ đô thị hoá đạt 29% (cả nước là 40%; vùng Tây Nguyên khoảng 27,78%); tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm.

Gia Lai chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng, động lực kinh tế tại tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao, chưa đồng bộ. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn; cơ cấu nền kinh tế chậm chuyển đổi; năng lực cạnh tranh yếu. Còn có mâu thuẫn giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; tính liên kết giữa đô thị và nông thôn còn hạn chế; nguy cơ phát triển không bền vững và suy giảm mức độ hấp dẫn do tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc lập quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để Gia Lai tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển thời kỳ 2021 - 2030, từ đó đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển cho thời kỳ quy hoạch.

Trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên

Theo ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, công tác lập quy hoạch đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân; Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng nhân dân trong Tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên tại Phiên họp

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên tại Phiên họp

Theo Dự thảo Quy hoạch, đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.

Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn trên, Quy hoạch tỉnh Gia Lai đưa ra 5 đột phá phát triển gồm: đột phá về cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đột phá về nhân lực; đột phá về hạ tầng; đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái; đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.

Về hạ tầng, Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh và nâng cấp cảng hàng không Pleiku. Đồng thời, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, logistics.

Về không gian phát triển, Gia Lai định hướng trục hành lang kinh tế Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 sẽ là 3 hành lang kinh tế động lực kết nối TP. Pleiku và vùng phụ cận lan toả đến các huyện, thị xã trên địa bàn Tỉnh, thúc đẩy toàn tỉnh Gia Lai tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TP. Pleiku sẽ được mở rộng không gian hành chính lãnh thổ kết nối với các huyện lân cận nhằm đảm nhận nhiều chức năng mới của quốc gia, của vùng Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số, dịch vụ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nông lâm nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, y tế, thể dục thể thao... TP. Pleiku liên kết với TP. Kon Tum trở thành trung tâm động lực kinh tế - xã hội tiểu vùng phía Bắc Tây Nguyên.

Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, Quy hoạch tỉnh Gia Lai sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng để Tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Tin cùng chuyên mục