Quy hoạch tỉnh Phú Thọ: Chỉ tiêu cần xứng tầm mục tiêu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đánh giá dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia quy hoạch nhận định, dù có lợi thế, tiềm năng và định hướng mục tiêu “to lớn”, song Phú Thọ lại đang đề ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khá “khiêm tốn”, chưa thực sự tương xứng với tầm nhìn quy hoạch lâu dài của Tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Mục tiêu, khát vọng "to lớn"

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng. Hình thành trung tâm phát triển về du lịch; giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh của tiểu vùng Tây Bắc và trung tâm thương mại, logistics, công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ với 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Phú Thọ thành trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, hình thành trung tâm du lịch, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo; thương mại, logistics, chế biến nông, lâm sản của tiểu vùng Tây Bắc; là động lực phát triển quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; trở thành tỉnh có thu nhập cao, văn minh, hiện đại của cả nước; là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; là nơi đáng sống đối với người dân các cộng đồng dân cư.

Chỉ tiêu "khiêm tốn"

Đánh giá những kịch bản tăng trưởng được tỉnh Phú Thọ lựa chọn nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đề ra, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, một loạt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch tỉnh còn khá thấp so với bình quân vùng và cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cũng như làm nổi bật được quan điểm định hướng phát triển lâu dài của Tỉnh.

Đơn cử như chỉ tiêu kinh tế số chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Tỉnh vào năm 2025 và đạt hoặc vượt mức trung bình của cả nước từ năm 2030 trở đi (mức trung bình cả nước là 20%). Theo vị chuyên gia, một địa phương muốn phát triển đi lên được, thì sự chuyển động kinh tế số đóng vai trò rất quan trọng, do đó, nên rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu này nhằm tương xứng với vai trò, mục tiêu.

Tương tự, chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 32% cũng được nhận định thấp hơn mức bình quân của Vùng (40%), trong khi tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ định hướng trở thành tỉnh có thu nhập cao, văn minh, hiện đại của cả nước. Đối với du lịch, Phú Thọ xây dựng chỉ tiêu khách du lịch năm 2030 đạt trên 12 triệu lượt khách, đóng góp vào GRDP Tỉnh đạt từ 2 - 3%. “Với định hướng quy hoạch du lịch là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên phát triển của Phú Thọ, thì chỉ tiêu đề ra là quá thấp, khó đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành mũi nhọn của Tỉnh, đưa Tỉnh thành trung tâm du lịch của Vùng”, TS. Cao Viết Sinh nêu quan điểm.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Đồng quan điểm nêu trên, TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông), Ủy viên phản biện cho rằng, trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch, tỉnh Phú Thọ đề ra nhiều mục tiêu, trong đó, Tỉnh phấn đấu trở thành địa phương phát triển hàng đầu, dẫn đầu trong nhiều vai trò, lĩnh vực. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về đô thị hóa, giao thông... đề ra nhằm hiện thức hóa mục tiêu nói trên lại rất “khiêm tốn”. “Phú Thọ là địa phương có tiềm năng vô cùng lớn, đặc biệt là du lịch, chính vì vậy, phải gắn chỉ tiêu tương xứng được với tiềm năng phát triển”, vị chuyên gia nhận định.

Về phương án phát triển hạ tầng dịch vụ, theo định hướng của Tỉnh, đến năm 2023, phát triển 2 cụm cảng cạn tại TP. Việt Trì gồm: cảng cạn Hải Linh - Phú Thọ và cảng cạn Thụy Vân tại Khu công nghiệp Thụy Vân. Trong khi đó, quy hoạch Trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực thị xã Phú Thọ lại không có cảng cạn. Theo TS. Lê Đỗ Mười, để phù hợp với quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh cần rà soát, bố trí quy hoạch Trung tâm logistics gắn kết vào quy hoạch cảng cạn. Nếu xác định mục tiêu trở thành Trung tâm logistic của Vùng, thì Phú Thọ cần thiết phải quy hoạch lại cảng cạn trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý. Bởi, Phú Thọ là cửa ngõ tập kết, kết nối giao thương hàng hóa của các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… Đồng thời, cần tận dụng lợi thế quy hoạch hành lang vận tải để gắn quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa với các khu công nghiệp, tăng cường thông thương hàng hóa.

Phản biện dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Ngoại giao; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, về vị thế, vai trò của Tỉnh đối với Vùng và cả nước, dự thảo Quy hoạch Tỉnh đã nêu được 4 vị thế, vai trò, tuy nhiên, chưa thật tương xứng với các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Phú Thọ.

Chỉ tiêu kinh tế cụ thể đến năm 2030:

(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,6%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5 - 9,0%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt trên 12%/năm.

(2) GRDP bình quân người năm 2030 đạt 6.200 - 6.300 USD.

(3) Cơ cấu kinh tế năm 2030: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 48 - 50%; ngành dịch vụ chiếm 33 - 35%; ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 12 - 14%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5 - 6%.

(4) Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 800 nghìn tỷ đồng.

(5) Tỷ trọng vốn FDI chiếm 19 - 20% trong tổng vốn đầu tư xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.

(6) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 8 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

(7) Khách du lịch năm 2030 đạt trên 12 triệu lượt khách, đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Tỉnh đạt từ 2 - 3%.

(8) Kinh tế số chiếm khoảng 15% GRDP Tỉnh vào năm 2025 và đạt hoặc vượt mức trung bình của cả nước từ năm 2030 trở đi.

Theo đó, các bộ, ngành kiến nghị Tỉnh cần nghiên cứu thêm lợi thế về vị trí địa lý, với đặc điểm “hội tụ” của một vùng đồng bằng cổ, nơi vốn là kinh đô của Nhà nước Văn Lang, trải từ TP. Việt Trì cho đến khu vực đền Hùng; hơn thế nữa còn là một Trung tâm và là “cửa ngõ” của vùng Trung du và miền núi phía Bắc kết nối với vùng Đồng bằng sông Hồng, là “điểm giao cắt” giữa hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế tiềm năng Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ, và hành lang đô thị chiến lược quốc gia ở Trung du và miền núi phía Bắc gắn với các đô thị trung tâm cấp vùng gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Việt Trì, Hòa Bình đi Thanh Hóa và Quảng Ninh, cho phép tỉnh Phú Thọ thông ra biển Đông qua 3 cảng nước sâu phía Bắc, gồm: cụm cảng Quảng Ninh, Lạch Huyện (Hải Phòng) và Nghi Sơn (Thanh Hóa). Giải pháp này sẽ góp phần giải quyết được chi phí vận tải, logistic, theo đánh giá chiếm khoảng 20% tổng chi phí sản xuất; góp phần tăng sức hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam.

Ngoài ra, Tỉnh cần xem xét đến các tiềm năng, lợi thế quan trọng khác bao gồm: tài nguyên du lịch, quỹ đất đồi thuận lợi cho xây dựng đô thị và công nghiệp; quỹ đất nông - lâm nghiệp; khoáng sản; các di sản lịch sử - văn hóa… là những điều kiện rất quan trọng tạo ra động lực phát triển cho Tỉnh trong tương lai với độ trễ hơn so với các tỉnh lân cận của Thủ đô Hà Nội.

Đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia và thành viên Hội đồng Thẩm định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Phú Thọ tổ chức rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng... để tránh mâu thuẫn, xung đột; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại phiên họp chiều ngày 21/2/2023, Hội đồng Thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.

Tin cùng chuyên mục