Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng: Đi đầu phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) hiện đang được đề xuất là vùng đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số… Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh trong vùng ĐBSH, một số địa phương cũng đặt mục tiêu phát triển trở thành đô thị lớn, thông minh, hiện đại, là điển hình trong quá trình chuyển đổi số.
Không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng được đề xuất hình thành chuỗi đô thị thông minh, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%. Ảnh: Lê Tiên
Không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng được đề xuất hình thành chuỗi đô thị thông minh, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%. Ảnh: Lê Tiên

Bắc Ninh là một trong 3 địa phương tại vùng ĐBSH sơ bộ hoàn thành dự thảo quy hoạch tỉnh. Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh, Bắc Ninh đang xây dựng quy hoạch Tỉnh với nhiều đổi mới, đột phá trong phát triển. Một trong những điểm mới mà Dự thảo Quy hoạch hướng tới là tập trung phát triển Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, điện thoại, linh kiện bán dẫn; phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành công nghiệp hàng không, phát triển công nghiệp y sinh. Đây là những lĩnh vực Bắc Ninh đang có nhiều lợi thế, thế mạnh để phát triển. Ngoài ra, trong nhiều văn bản đề xuất với Trung ương thời gian qua, Bắc Ninh đề xuất được thí điểm xây dựng thành phố thông minh, trở thành địa phương điển hình trong chuyển đổi số.

Hà Nam hiện đã sơ bộ hoàn thành Dự thảo Quy hoạch Tỉnh và gửi xin ý kiến. Ông Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam định hướng lấy công nghiệp làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế, làm nền tảng để thúc đẩy, phát triển đô thị, phát triển dịch vụ du lịch. Với định hướng này, Hà Nam đặt mục tiêu phát triển kinh tế với trọng tâm phát triển công nghệ cao và đưa mục tiêu này vào Dự thảo Quy hoạch Tỉnh. Dự kiến tới năm 2024, Hà Nam sẽ triển khai đầu tư mạnh cho hạ tầng khu công nghệ cao theo định hướng này…

Theo Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tổng quát phát triển vùng ĐBSH tới năm 2030 là đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại như điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, ngân hàng, tài chính, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo, tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh đô thị hoá gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng, không gian phát triển vùng là một trong những nội dung quan trọng được Viện Chiến lược phát triển đưa ra trong Báo cáo các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập Quy hoạch Vùng. Theo đó, kết cấu hạ tầng được định hướng đầu tư đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn, các tuyến đường bộ kết nối, các tuyến vành đai Hà Nội, đường bộ ven biển. Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoàn thiện hạ tầng các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh. Hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hạ tầng cấp điện, năng lượng được yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, hạ tầng thông tin truyền thông hiện đại tương đương trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới…

Việc tổ chức không gian phát triển của Vùng được đề xuất hình thành chuỗi đô thị thông minh, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ phát triển đô thị tại vùng ĐBSH tăng nhanh, hình thành rất nhiều đô thị mới và đây là một trong những nội dung quan trọng, trọng lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng. Hiện cả nước đang thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã… Việc sắp xếp, tổ chức không gian hành chính lãnh thổ sẽ có tác động lớn tới việc sắp xếp đô thị, nông thôn, phân bổ phát triển các ngành. Vì vậy, cần phải coi vấn đề tổ chức phát triển đô thị trong vùng ĐBSH là một trong những sản phẩm đầu ra quan trọng của Quy hoạch vùng ĐBSH, nếu không sẽ gặp vướng mắc trong các nội dung triển khai tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục