Quyết liệt chấn chỉnh hoạt động đầu tư công

(BĐT) - Cho ý kiến về phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với phần vốn còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá, công tác phân bổ vốn đã thể hiện sự thận trọng của Chính phủ trong quyết tâm chấn chỉnh hoạt động đầu tư công.
Các bộ, ngành, địa phương đã cam kết huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành 294 dự án không bố trí đủ tổng mức đầu tư được duyệt. Ảnh: Lê Tiên
Các bộ, ngành, địa phương đã cam kết huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành 294 dự án không bố trí đủ tổng mức đầu tư được duyệt. Ảnh: Lê Tiên

Thận trọng trong phân bổ vốn

Theo Báo cáo phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với phần vốn còn lại của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp của UBTVQH ngày 20/4, thực hiện Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai rà soát phương án phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn, tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết và các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, Chính phủ đã phân khai hết tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua; không có bộ, ngành, địa phương nào có phương án phân bổ không đúng quy định. Trong đó đã dành một lượng vốn lớn ưu tiên cho mục tiêu thanh toán nợ đọng, hoàn trả vốn ứng trước, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án PPP.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, công tác phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn đã đạt được kết quả tích cực. Kết quả rà soát vốn bố trí với tỷ lệ vốn đủ điều kiện giao đạt 56,72%; vốn chưa giao là 30,3% đã thể hiện sự sát sao, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong quá trình rà soát trước khi hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đánh giá việc phân bổ đợt 1 Kế hoạch đầu tư công trung hạn thể hiện sự thận trọng của Chính phủ trong quyết tâm chấn chỉnh hoạt động đầu tư. 

Yêu cầu chịu trách nhiệm về cam kết huy động vốn

Liên quan đến phương án xử lý đối với 294 dự án không bố trí đủ tổng mức đầu tư được duyệt, Báo cáo của Chính phủ cho biết, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cam kết huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án. Trường hợp không cân đối được đủ nguồn kế hoạch và không huy động được các nguồn vốn khác sẽ phải bố trí đủ vốn để hoàn thành các hạng mục chính hoặc đưa dự án vào danh mục dự án giãn, hoãn tiến độ.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, hiện các bộ, ngành, địa phương đã có cam kết bằng văn bản với Chính phủ về việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án. Tinh thần chung của Chính phủ là phải huy động đủ nguồn vốn thì mới được làm. Nếu chưa đủ thì phải điều chỉnh lại dự án, cắt bỏ một số hạng mục chưa cần thiết, giảm quy mô để dự án có tính khả thi, đảm bảo đúng đến năm 2020 phải hoàn thành, không được kéo dài, kéo giãn tiến độ thêm.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ rà soát lại 294 dự án không bố trí đủ vốn, các dự án thiếu vốn đối ứng, các dự án chưa rõ nguồn vốn.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, do những dự án này chưa đáp ứng đúng tinh thần quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 54 Luật Đầu tư công nên Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát, cắt giảm, điều chỉnh quy mô, phân kỳ đầu tư để có thể hoàn thành các dự án này trong giai đoạn 2017 - 2020.

 “Các chủ tịch tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm về cam kết này trong các dự án. Nếu không đảm bảo cam kết và không dám chịu trách nhiệm thì đề nghị loại bỏ các dự án này. Nếu vẫn thực hiện, sau này khi tiến hành kiểm tra, kiểm điểm mà xuất hiện dự án dở dang, nợ đọng xây dựng cơ bản, bố trí vốn không đúng thì các đơn vị trên phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội” – ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm dứt khoát.

Cũng tại Phiên họp, UBTVQH thống nhất phương án phân bổ 344.034 tỷ đồng đối với dự án đủ điều kiện, trong đó dành 111.279 tỷ đồng cho các bộ, ngành trung ương và 232.755 tỷ đồng cho các dự án ở các địa phương. Đối với khoản chưa phân bổ, đang chờ thủ tục theo quy định của pháp luật là 104.369 tỷ đồng, UBTVQH yêu cầu Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội về công trình trọng điểm quốc gia là 80.000 tỷ đồng và lưu ý nguyên tắc, dự án trên 10.000 tỷ đồng mới được coi là dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Quốc hội chỉ dành khoản này cho các dự án công trình trọng điểm quốc gia.

UBTVQH cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tạm giữ, chưa phân bổ 85.503,7 tỷ đồng do chưa đủ điều kiện phân bổ, trong đó có Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 13.015 tỷ đồng. Đối với số vốn chưa đủ thủ tục đầu tư là 13.843 tỷ đồng, UBTVQH đề nghị dừng lại, chưa phân bổ. Số vốn này sẽ xem xét cùng với phần dự phòng ngân sách.

Ngoài ra, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại một số công trình cấp bách có tính liên vùng, hoặc công trình liên quan đến Nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số và một số công trình khác… đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục