Quyết liệt tăng tốc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ý kiến cho rằng với quy mô nền kinh tế như hiện nay và xu hướng tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công có thể không phải động lực chính cho tăng trưởng, nhưng là tiền đề quan trọng dẫn dắt, hỗ trợ các động lực chính cho tăng trưởng.
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 28/2/2021 là 23.487,61 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 28/2/2021 là 23.487,61 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cần tiếp tục những nỗ lực đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này để hỗ trợ, lan tỏa, tạo điều kiện phát huy các động lực tăng trưởng khác.

Nhiều cơ quan 2 tháng chưa giải ngân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 28/2/2021 là 23.487,61 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm trước đạt 7,38%). Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp dưới 5%. Khối địa phương đã tích cực giải ngân trong tháng 2, có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10% kế hoạch, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Nam Định (25,05%), Tiền Giang (16,21%), Bến Tre (15,81%). Tuy nhiên, khối bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp, 37/48 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân, trong đó có một số đơn vị được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương khá lớn (trên 1.000 tỷ đồng) như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội…

Nguyên nhân giải ngân chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, theo Bộ KH&ĐT, là do tháng 2/2020 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Đây cũng là thời điểm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, chuyển kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 sang năm 2021…

Nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi mặt của nền kinh tế, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, không chỉ ở giá trị tuyệt đối đóng góp vào tăng trưởng GDP mà quan trọng hơn ở tác động lan tỏa, tạo điều kiện cho nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác phát triển.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, dự báo còn diễn biến khó lường, khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Cùng với nhiều giải pháp tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy xuất khẩu…, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021 vừa diễn ra, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí một cuộc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA. Trước đó, tại phiên họp tháng 1/2021, Thủ tướng đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho giải ngân đầu tư công.

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 2/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.

Bộ KH&ĐT nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể để tăng tốc giải ngân kế hoạch vốn NSNN năm 2021. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục hoàn ứng tại Kho bạc Nhà nước chậm nhất trong tháng 4/2021 đối với các dự án bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 để thu hồi vốn ứng trước. Chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; có khối lượng phải hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý. Đặc biệt, cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công. Thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện dự án, đối với dự án thực hiện không đúng tiến độ, chủ động, kịp thời điều chỉnh, chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch.

Bên cạnh đó, chuẩn bị thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư, dự toán, thiết kế… của các dự án, công trình lớn, trọng yếu, có tác động lan tỏa, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông và năng lượng. Tạo điều kiện để có thể triển khai được ngay sau khi kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian rút vốn nước ngoài, tăng cường thực hiện kiểm soát chi, rút vốn và giải ngân qua hệ thống công nghệ thông tin...

Tin cùng chuyên mục