Nhà thầu quản lý là mô hình tiên tiến mà năng lực của nhiều nhà thầu Việt Nam như Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình có thể đảm nhận được |
Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACC, đây là cơ sở để VACC đưa ra những đề xuất, kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.
Nhìn lại năm 2016, ông thấy VACC có những hoạt động gì nổi bật?
Năm 2016 là năm đầu tiên nhiệm kỳ IV của VACC triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác 2016 - 2020 theo định hướng “Đổi mới để phát triển”. Định hướng đổi mới này được VACC thể hiện trong nhiều nội dung. Một trong số đó là đổi mới mạnh mẽ việc nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất xây dựng của các doanh nghiệp thành viên và chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài của Hiệp hội.
Theo đó, ngay từ đầu năm, VACC đã xây dựng chương trình hội thảo cho cả năm, tập trung vào những cuộc hội thảo chuyên đề liên quan đến hoạt động xây dựng của các nhà thầu. Những hội thảo chuyên môn về chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thi công công trường; vật liệu, cấu kiện và công nghệ thi công mới… đã thu hút sự tham gia của đông đảo các thành viên, đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Những hội thảo này lại được VACC thực hiện theo cách thức mới, gắn kết trình bày ở hội trường và tham quan, thị sát tại công trường. Đây là những hoạt động rất “sát sườn” đối với hoạt động sản xuất của các nhà thầu hội viên.
Trong chương trình hoạt động tới của VACC, chúng tôi sẽ phải dần đưa nội dung này thành một trong những nội dung sinh hoạt quan trọng của Hiệp hội nhằm phát huy tốt nhất vai trò của VACC trong việc trợ giúp pháp lý cho các nhà thầu hội viên.
Trong năm 2016, VACC đã chứng kiến 2 vụ tranh chấp, khiếu kiện chủ yếu liên quan đến hợp đồng. Trường hợp đầu tiên là khiếu kiện của một nhà thầu trúng hợp đồng cung cấp điều hòa cho một công trình. Sau khi tiến hành ký kết hợp đồng, nhà cung cấp đã “từ chối” cung cấp thiết bị cho nhà thầu trúng thầu. Nội tình cụ thể của tranh chấp có thể còn nhiều vấn đề, nhưng việc nhà thầu không thể cung cấp thiết bị điều hòa cho công trình theo hợp đồng có thể sẽ dẫn đến việc bị phạt rất nặng, dẫn tới phá sản. VACC đã mời nhà cung cấp và nhà thầu ngồi lại với nhau, cùng bàn thảo giải quyết sự việc. Sau đó, nhà cung cấp đã đồng ý tiếp tục cung cấp thiết bị để nhà thầu tiến hành thi công lắp đặt, mặc dù có thể nhà thầu sẽ gặp khó khăn về vấn đề giá cả bị điều chỉnh và một số vấn đề khác, nhưng ít nhất hợp đồng đã không bị hủy, tránh nguy cơ nhà thầu bị phá sản.
Ở trường hợp thứ hai, một nhà thầu Việt Nam ký hợp đồng thầu phụ với nhà thầu Hàn Quốc thông qua đấu thầu. Trong quá trình chuẩn bị thực hiện hợp đồng, nhà thầu Hàn Quốc không muốn cho nhà thầu phụ Việt Nam thi công với lý do giao lại hợp đồng cho nhà thầu khác với giá thấp hơn. Phía Hiệp hội lúc này đã có văn bản gửi cho nhà thầu Hàn Quốc, gửi cho công ty mẹ của nhà thầu này cùng với Bộ Xây dựng để can thiệp gây áp lực. Đến giờ kết quả vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên đó cũng là tiếng nói của Hiệp hội để các nhà thầu hội viên tin cậy, nhờ giúp đỡ.
Ngoài ra, trong năm 2016, Hiệp hội cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) nhằm có những hỗ trợ pháp lý khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng và được nhiều nhà thầu nhất trí, tán thành.
Trong chương trình hoạt động năm 2017, VACC đặt trọng tâm thực hiện những công việc gì?
Ngoài việc tiếp tục có những khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất giữa các hội viên, tăng cường hợp tác quốc tế, năm 2017, VACC sẽ có báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất của các nhà thầu thành viên liên quan đến cơ chế đầu tư, xây dựng, đấu thầu...
Thứ nhất là về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu và hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo số liệu có được, hiện vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 15.000 tỷ đồng của Chương trình nông thôn mới và nợ đọng vốn nhà nước trong các dự án công khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng. Đó là khoản tiền tương đối lớn đối với các nhà thầu, làm cho các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến hợp đồng. Hiện đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc xây dựng Mẫu hợp đồng. Tuy nhiên, các văn bản này có những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập gây khó khăn, lúng túng cho cả chủ đầu tư và nhà thầu. Cùng với đó, trong các điều khoản của hợp đồng, khi đàm phán một số kiến nghị của nhà thầu cần phải đưa vào trong hợp đồng để bảo đảm quyền lợi cho nhà thầu thì lại không được chủ đầu tư chấp nhận.
Thứ ba là các vấn đề liên quan đến đơn giá. Từ lâu, đơn giá xây dựng được tính toán trên cơ sở định mức đơn giá chi tiết đã không còn phù hợp với thực tế xây dựng. Cơ chế này khiến việc lập dự toán, thanh toán không tương ứng với công tác nghiệm thu sản phẩm xây dựng và không phù hợp với cơ chế thị trường mà chúng ta đang hướng tới.
Thứ tư là vấn đề thanh, kiểm tra. Các nhà thầu phản ánh là có quá nhiều hoạt động thanh, kiểm tra trong quá trình DN hoạt động. Điều đáng nói là có những thời điểm, cùng lúc nhà thầu phải tiếp 2-3 đơn vị thanh, kiểm tra. Các đoàn thanh, kiểm tra sau thì không công nhận kết luận của những đoàn thanh, kiểm tra trước đó, làm mất thời gian và gây bức xúc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu.
Cuối cùng là vấn đề nhà thầu quản lý. Hiện ở Việt Nam có hình thành mô hình nhà thầu quản lý và chủ yếu là do các nhà thầu nước ngoài thực hiện. Trong vai trò là nhà thầu nhưng các nhà thầu này không thi công mà chỉ tổ chức điều hành thi công. Họ đứng ra thuê các nhà thầu Việt Nam thực hiện công tác thi công. Theo tôi, mô hình nhà thầu quản lý không phải là hình thức bán thầu. Bởi để được làm nhà thầu quản lý, nhà thầu cũng phải chứng minh năng lực của bộ máy quản lý, điều kiện kinh nghiệm, đội ngũ nhân sự…phù hợp với tính chất của gói thầu. Không phải nhà thầu nào muốn làm nhà thầu quản lý là được, mà phải có tiêu chí, năng lực cụ thể, rõ ràng. Pháp luật quy định mô hình này sẽ tạo điều kiện cho DN Việt lớn mạnh.
Vậy, VACC có đề xuất chính sách gì để giải quyết những vướng mắc trên?
Trong vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, hướng mà VACC kiến nghị là đề nghị chủ đầu tư phải có bảo lãnh về thanh toán cho nhà thầu. Khi khối lượng thực hiện của dự án, công trình còn khoảng 25-30% thì chủ đầu tư phải có bảo đảm thanh toán tại ngân hàng thì nhà thầu mới có cơ sở thực hiện tiếp khối lượng.
Vì trên thực tế, nợ đọng xây dựng cơ bản chủ yếu vào giai đoạn cuối của công trình, gói thầu. Do đó, nếu nhà thầu làm đủ các thủ tục thanh toán mà không được thanh toán thì sẽ được hưởng khoản bảo đảm thanh toán đó từ ngân hàng. Đây là cách giảm bớt khó khăn cho nhà thầu. Từ trước đến nay, hầu như các chế tài đều chỉ dành để “xử lý” các nhà thầu vi phạm, mà không có chế tài đủ mạnh đối với các chủ đầu tư không thực hiện đúng.
Đối với vấn đề đơn giá, nên quy định theo hướng thanh toán phải theo sản phẩm xây dựng, hệ thống định mức đơn giá phải đi theo hướng tổng hợp, xuất phát từ giá thị trường, tính theo m2 chứ không tính theo đơn giá chi tiết vụn vặt như hiện nay.
Liên quan đến nhà thầu quản lý, đây là mô hình tiên tiến mà thực tế năng lực của nhiều nhà thầu Việt Nam có thể đảm nhận được. Vấn đề là cần những cơ chế, chính sách để mô hình này hoạt động hiệu quả trong thực tiễn. Nếu có thể thể chế hóa được cơ chế để mô hình này hoạt động được thì nhiều nhà thầu Việt Nam mạnh có năng lực hiện nay như Coteccons, Delta, Hòa Bình,… sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.