Rà soát cắt, chuyển vốn của 17 dự án vay vốn WB có vấn đề về giải ngân

Cơ quan chủ quản/chủ dự án 17 dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới có vấn đề về giải ngân sẽ phải gửi bản kế hoạch hành động cải thiện tình hình về Bộ Kế hoạch và đầu tư trước ngày 6/6/2016.
Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng có tổng số vốn đầu tư lên đến 276,6 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 175 triệu USD do vướng mắc trong GPMB nên tiến độ triển khai rất chậm
Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng có tổng số vốn đầu tư lên đến 276,6 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 175 triệu USD do vướng mắc trong GPMB nên tiến độ triển khai rất chậm

Trong công văn hỏa tốc này được Thứ trưởng Bộ Kể hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương ký gửi các bộ: Công thương, Y tế, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục và đào tạo, Xây dựng, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Tài chính; UBND các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An, Hà Nam, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang; Tập đoàn Điện lực VN.

Đây là các cơ quan chủ quản/chủ dự án của 17 dự án sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) đang có vấn đề về giải ngân bị Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu xem xét cắt bỏ những khoản vốn không sử dụng và chuyển sang dự án khác.

Các dự án này gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Mekong vay vốn WB là 363 triệu USD; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi – 613 triệu USD; Mekong IWRM – 25 triệu USD; Đổi mới sáng tạo hướng tới người có thu nhập thấp – 55 triệu USD; Đại học kiểu mới 180 triệu USD; Giao thông đô thị Hải Phòng – 175 triệu USD; Đổi mới Khoa học và công nghệ - 100 triệu USD; Chương trình phát triển đô thị các tỉnh miền núi phía Bắc – 250 triệu USD; Phát triển năng lượng tái tạo – 202 triệu USD; Quản lý rác thải bệnh viện – 150 triệu USD; Phát triển bền vững Tp. Đà Nẵng – 202,5 triệu USD; Giảm nghèo Tây Nguyên – 150 triệu USD; Tài nguyên ven biển để phát triển bền vững – 100 triệu USD; Nâng cấp đô thị khu vực đồng bằng Mekong – 292 triệu USD; Phát triển giao thông đô thị Hà Nội -  155,2 triệu USD; Phát triển đô thị loại II – 210 triệu USD; Hỗ trợ Y tế Đông bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng – 150 triệu USD.

“Cơ quan chủ quản/chủ dự án có dự án nêu tên báo cáo tình hình triển khai, tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án; dự kiến phần vốn giải ngân không hết và kiến nghị kế hoạch hành động để cải thiện tình hình gửi về Bộ KH &ĐT trước ngày 6/6”, công văn nêu.