Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh: Chuyển biến vẫn đang ở bề mặt

(BĐT) - Tính đến cuối tháng 6/2018, rất nhiều phương án (từ khoảng 11 bộ) đã được đưa ra với kết quả dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là con số mà ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho là ấn tượng nhất về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, theo một báo cáo của VCCI, kết quả này mới chỉ dừng ở bề mặt, chứ chưa thực sự thay đổi về chất.

Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đều vượt 50%

Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, kết quả này là phù hợp với chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. Một khi môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi hơn thì cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ là đối tượng hưởng lợi. Trong 2 năm qua, đặc biệt là nửa đầu năm 2018, có thể nhìn thấy rất rõ một xu hướng chung là thể chế kinh tế đang ngày càng phát triển theo hướng kinh tế thị trường, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường đang dần được gỡ bỏ. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đây là những bước đầu tiên "biến lời nói thành hành động” của Chính phủ và các bộ, ngành.

Tuy vậy, Báo cáo về pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của VCCI cũng nhận định rằng, kết quả này mới chỉ dừng lại ở bề mặt, chứ chưa thực sự thay đổi về chất. Mặc dù Luật Đầu tư đã quy định rất rõ về ban hành điều kiện kinh doanh phải nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, nhưng trong quá trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, các bộ, ngành đang “bỏ quên” các tiêu chí này. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều phương án đề xuất không đụng chạm tới vấn đề cốt lõi, do đó việc cải cách mới chỉ ở bề mặt, mà chưa xử lý được những bất cập cơ bản trong thực tiễn.

Nhận định về những kết quả đạt được, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, phong trào hô hào cải cách rầm rộ đã nhiều năm, nhưng chuyển động trên thực tế là “lừ đừ”, thay đổi quá chậm, tốc độ chỉ đạt không quá nửa yêu cầu. Nhiều bộ, ngành vẫn còn tư duy đối phó tinh vi, lắt léo, đánh tráo khái niệm. 

Quản lý có dựa trên niềm tin vào doanh nghiệp?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phần lớn các bộ, ngành chỉ cắt giảm những quy định nhỏ, cách tiếp cận gần như cũ nên thực sự không có giá trị lớn, “vô thưởng vô phạt”, không giải quyết được vấn đề thực tiễn. Để một điều kiện kinh doanh được xóa bỏ, các DN phải chờ 2 đến 3 năm, thậm chí hơn thế. Thời gian chờ đợi đó đủ để giết chết hàng loạt DN. Thực tế đã cho thấy, số lượng DN đăng ký thành lập mới 6 tháng đầu năm 2018 là 64.531 DN, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, số DN ngừng hoạt động tăng tới 39,3% so với cùng kỳ năm 2017, tạo nên một khoảng cách khá lớn giữa DN gia nhập thị trường và số DN rời thị trường.

Sở dĩ chất lượng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh mới chỉ ở bề mặt, theo bà Phạm Chi Lan, chủ yếu là do vấn đề tư duy. Nhiều cán bộ quản lý nhà nước đang có tư duy mặc định là 100% DN là vi phạm nên phải kiểm soát vi phạm như kiểm tra 100% lô hàng thủy sản... Đó là quản lý dựa trên sự nghi ngờ thay vì niềm tin, dẫn đến sự hạn chế về trình độ, nhận thức, năng lực của các cán bộ quản lý nhà nước. Hiện đội ngũ cán bộ có hai vấn đề ngược chiều so với thế giới. Nếu như thế giới quản lý theo cách “nắm lớn buông nhỏ”, tức là quản lý khu vực sử dụng nhiều tài sản của Nhà nước - DN nhà nước, thì Việt Nam lại thiên về kiểm soát tràn lan mọi lĩnh vực trong xã hội, can thiệp vào mọi hành vi của DN. Trong khi hội nhập là phải tạo thuận lợi cho DN, thì nhiều điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang đi ngược lại, gây khó khăn cho DN.

“Nhà nước phải làm thế nào để tăng cường nội lực, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Nhà nước không bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho DN trong nước thì DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, “cá nhanh sẽ nuốt cá chậm”. Muốn đo mức độ thuận lợi hóa của các quy định pháp luật thì phải đo với các quy định pháp luật của quốc tế, các cam kết quốc tế”, bà Lan khuyến nghị.

Đồng quan điểm với bà Phạm Chi Lan, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, về nhận thức, nếu cứ giữ tư duy coi DN như là tội đồ thì không thể có môi trường tự do kinh doanh, DN không thể làm tốt, làm ăn tử tế được. Nếu lỡ đi một cơ hội kinh doanh, DN có thể mất 1 - 2 tỷ đồng, nhưng nếu tính tất cả DN xã hội thì con số này sẽ nhân lên bao nhiêu? DN nên chăng tiếp tục bình chọn giải “mâm xôi vàng” đối với quy định pháp luật tồi, từ đó tạo sức ép mạnh mẽ lên các bộ, ngành.

Bên cạnh sự chậm trễ và chất lượng của việc cải cách còn thấp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương còn cảnh báo nguy cơ các rào cản kinh doanh đã được cắt giảm có thể quay trở lại.

Một trong những hạn chế của quá trình xây dựng pháp luật hiện nay, theo ông Phan Đức Hiếu, là các cán bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thiếu kỹ năng và kiến thức về kinh tế thị trường, sao chép các văn bản một cách máy móc. Rõ ràng năng lực làm chính sách đang có vấn đề. Trong khi đó, đầu tư xây dựng chính sách là đầu tư phát triển. Do đó, trong thời gian tới cần có một nguyên tắc, muốn thêm 1 điều kiện kinh doanh thì phải bỏ đi 1 điều kiện, tức là 1 đổi 1. Một số nước còn có một điều khoản “mặt trời lặn”, tức là đưa ra thời hạn hiệu lực của một điều kiện kinh doanh từ 3 - 5 năm.

Tin cùng chuyên mục