Nên để khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường. Ảnh: Lê Tiên |
Hàng triệu tỷ đồng quản lý kém hiệu quả
Số liệu vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy, Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN). Năm 2014, chỉ tính riêng 781 DN 100% sở hữu nhà nước thì tổng tài sản đã lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó, tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm 90%. Nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 257 tỷ USD.
Song, trên đây mới chỉ là con số tính theo giá trị số sách tài sản hiện tại. Nếu tính cả giá trị quyền sử dụng đất sở hữu thì mức tài sản vốn hóa của DNNN còn cao gấp nhiều lần. Theo tính toán của CIEM, với giá trị tài sản to lớn đang nắm giữ này, chỉ cần tăng được 1% hệ số ROA (tỷ số thu nhập ròng/tổng tài sản) thì Việt Nam sẽ có thêm 2,6 tỷ USD, bằng hơn 1 điểm % GDP. Có nghĩa là nếu cải thiện được 1% ROA của khối DNNN, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng tới 7,8%/năm, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 6,5% hiện nay.
Ở một thống kê mới nhất khác, Ngân hàng Thế giới (WB) còn công bố con số tương quan so sánh lớn hơn nhiều. Cụ thể, WB ước tính, GDP của toàn Việt Nam hiện đạt mức trung bình khoảng 200 tỷ USD/năm, trong khi đó giá trị tài sản công, trong đó một phần lớn đang nằm trong tay các DNNN, có quy mô lớn hơn khoảng 4 lần tổng giá trị GDP, tức là xấp xỉ 800 tỷ USD. Theo WB, chỉ cần tăng được 1% từ việc sử dụng hiệu quả khối tài sản khổng lồ này thì Việt Nam đã có thêm 8 tỷ USD. Và tất nhiên, nếu cải thiện được yếu tố này thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thậm chí có thể đạt tới con số không tưởng là 13% thay vì như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, điều này cho thấy, Chính phủ các quốc gia mới là “người giàu nhất” ở quốc gia đó, chứ không phải các quỹ, ngân hàng hay là bất cứ một thành phần nào khác. Đây cũng là nguồn lực công vô cùng to lớn để tạo nhiều dư địa cho Chính phủ nhiều nước thực hiện các giải pháp phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Cung, công tác quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước thời gian qua lại cho thấy sự thiếu hiệu quả và không rõ trách nhiệm, mà hệ lụy là tình trạng thất thoát, lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong phân bổ nguồn lực.
Khu vực tư nhân phải dẫn dắt nền kinh tế
Theo bà Lan, để có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì không có cách nào khác là phải thay đổi cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực. Cùng với đó, việc tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất chính là những ưu tiên cải cách hàng đầu.
“Tăng cường nền tảng kinh tế vi mô, sửa chữa những méo mó trên thị trường vốn và đất đai, cơ cấu lại việc phân bổ nguồn lực đối với khu vực kinh tế tư nhân là việc cần làm để hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển”, bà Lan nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, khu vực tư nhân có vai trò quan trọng với nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đang hình thành và phát triển. Do đó, một trong những yếu tố trong quá trình chuyển đổi kinh tế là phải xây dựng nền tảng tư nhân với sự phát triển mạnh mẽ. “Chính phủ phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường thông qua phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, xác định chính sách hỗ trợ DN tư nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thể chế, tạo ra mô hình nhà nước mới, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình”, bà Kwakwa khuyến nghị.