Nghị quyết 55/NQ-TW mở ra những cơ hội mới, to lớn cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là chủ trương có ý nghĩa lớn trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng về điện đang hiện hữu.
Tăng tốc phá thế độc quyền ngành điện
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, NQ55 mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong thời gian tới. NQ55 đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng. Đồng thời, NQ55 xác định rõ nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng một cách hiệu quả, trong đó có năng lượng tái tạo.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 khẳng định: “Đây là chủ trương rất có ý nghĩa, nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện để khu vực KTTN tham gia phát triển năng lượng, đẩy mạnh việc phá thế độc quyền trong ngành điện”.
Đại diện Công ty TNHH Vĩnh Tân 1 đánh giá, NQ55 đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc và huy động được mọi tiềm lực từ các thành phần kinh tế để tham gia vào quá trình phát triển năng lượng quốc gia.
Tin tưởng vào sự bứt phá của khối doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực năng lượng, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ & Thương mại Song Quỳnh bày tỏ: “Chủ trương đúng đắn này chắc chắn mở ra cơ hội rất lớn cho sự bứt phá của tư nhân trong giai đoạn tới”.
Làm thế nào sớm hiện thực hóa chủ trương?
Góp ý về vấn đề này, đại diện Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) nhằm nâng cấp các quy định về hợp tác công tư hiện hành, tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển các dự án hạ tầng, trong đó có năng lượng. “Đây là bước tiến mới trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách đối với hoạt động đầu tư PPP. Luật PPP không chỉ là một khung pháp lý cơ sở cho các nhà đầu tư trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dương nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Tuấn cũng bày tỏ: “Hiện doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án phát triển năng lượng tái tạo tương đối lớn, nhất là tại khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận… Tuy nhiên, vẫn còn không ít dự án không thể giải tỏa được công suất do thiếu lưới truyền tải”.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để triển khai và đưa NQ55 vào cuộc sống, Bộ Công Thương xác định rõ cần nghiên cứu, học tập, quán triệt đầy đủ các ý nghĩa, phạm vi, nội dung trong Nghị quyết. Để làm được điều này rất cần các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, các hệ thống chính trị, các tổ chức để triển khai Nghị quyết. Bộ sẽ sớm xây dựng kế hoạch để triển khai, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để xây dựng chương trình hành động.