Trong thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển giao thông vận tải đường thủy tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng để phát huy lợi thế vùng. Ảnh: Nhã Chi |
Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ GTVT về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về những lợi thế khi đầu tư vào các dự án giao thông đường thủy?
Theo tôi, cơ hội đầu tư đối với lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa cần được xét trên nhiều góc độ khác nhau, từ chủ trương chính sách, tình hình chung của nền kinh tế. Trước hết là hệ thống các chiến lược, quy hoạch, luật và văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực này cơ bản đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho vận tải đường thủy nội địa phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ GTVT đều có chủ trương, chính sách định hướng phát triển hợp lý các phương thức vận tải, tái cơ cấu vận tải toàn ngành, tạo cơ hội cho vận tải đường thủy phát triển.
Mặt khác, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cũng là cơ hội để phát triển vận tải đường thủy nội địa với trên 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải, trong đó mới đưa vào tổ chức quản lý được trên 19.000 km, đạt 45%. Do đó, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để đầu tư, khai thác và phát triển hoàn thiện vận tải thủy nội địa dọc các hành lang kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy loại hình dịch vụ vận tải đa phương thức, logistics phát triển.
Vận tải đường thủy là phương thức vận tải có mức phát thải thấp, thân thiện với môi trường nên sẽ có những ưu tiên và lợi thế nhất định trong tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng trong quản lý, điều hành, xây dựng, nạo vét, chỉnh trị luồng lạch, xếp dỡ hàng hóa…, tạo cơ hội thuận lợi để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa với chi phí hợp lý và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác…
Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung ưu tiên huy động nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế để đầu tư, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thủy. Trong đó sẽ ưu tiên phát triển GTVT đường thủy tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hải Phòng - Ninh Bình, Cần Thơ - TP.HCM, TP.HCM - Cà Mau, vận tải thủy kết nối Campuchia) để phát huy lợi thế vùng. Cụ thể là tập trung đầu tư, nâng cấp đối với các luồng tuyến chính, tuyến kết nối; bảo đảm các yếu tố kỹ thuật (mực nước, bề rộng luồng, bán kính cong ứng với các cấp kỹ thuật, chiều cao tĩnh không đối với công trình vượt sông, hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo). Cùng với đó, ngành GTVT cũng ưu tiên triển khai các dự án tăng cường kết nối vận tải đa phương thức giữa các khu vực kinh tế trọng điểm của vùng.
Ngành GTVT sẽ có các cơ chế chính sách với lãi suất ưu đãi để các tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp có thể vay đầu tư mua, đóng mới tàu chở container chuyên dùng, tàu chở xăng dầu, tàu khách tốc độ cao, tàu chở hàng lỏng, phương tiện bốc xếp tại cảng, bến thuỷ; đồng thời áp dụng cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng với vận tải thuỷ nội địa, vận tải ven biển; chính sách khuyến khích phát triển, mở rộng khai thác các tuyến ra đảo, giữa các đảo.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư có hạn, theo ông, giải pháp nào giúp tăng các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa?
Để tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa, trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy. Cụ thể, bổ sung việc bảo trì, khai thác đường thủy nội địa vào lĩnh vực khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư của Chính phủ; ưu tiên và tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp những tuyến vận tải thủy nội địa chính đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nâng cấp, cải tạo như kênh Chợ Gạo - tuyến huyết mạch nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với các cảng biển nước sâu lớn ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đường thủy nhằm khai thác tối đa các nguồn lực, tiền vốn đầu tư; đồng thời tăng cường tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các tổ chức tín dụng quốc tế và kêu gọi liên doanh, liên kết với các tập đoàn vận tải và logistics lớn của thế giới để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.