Rủi ro tiền ảo và sàn giao dịch ngoại hối: Cảnh báo là chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng về hoạt động huy động vốn, trả thưởng theo phương thức đa cấp trái phép thông qua việc phát hành tiền ảo, các sàn giao dịch ngoại hối trái phép. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tiếp tục bỏ tiền vào các hình thức đầu tư bất hợp pháp và có dấu hiệu lừa đảo này. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc cảnh báo, cần nhanh chóng xây dựng nền tảng pháp lý điều chỉnh các hoạt động này.
Vẫn có nhiều người tiếp tục bỏ tiền vào các sàn giao dịch ngoại hối trái phép tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi
Vẫn có nhiều người tiếp tục bỏ tiền vào các sàn giao dịch ngoại hối trái phép tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, tại Việt Nam hiện chưa có sàn giao dịch ngoại hối (forex) được cấp phép nên việc giao dịch là không hợp pháp. Bên cạnh đó, cá nhân tại Việt Nam tham gia các sàn giao dịch quốc tế còn chịu nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ bị lừa đảo, bị lộ bí mật thông tin cá nhân.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, dịch vụ phái sinh ngoại tệ trong nước và quốc tế đều phải do các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại được NHNN cấp phép. Đến nay, NHNN chưa cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào ngoài những tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Do đó, những tổ chức hoạt động sàn forex hiện nay là hoàn toàn không đúng với quy định và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với người dân, việc đầu tư vào những sàn giao dịch kiểu này là hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, mỗi người dân cần hết sức thận trọng, nhất là với loại hình kinh doanh mời chào đến hàng trăm phần trăm lợi nhuận.

Về đầu tư tiền ảo, NHNN khẳng định tiền ảo không phải đồng tiền pháp lệnh, không phải là phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.

Từ phía cơ quan công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu về loại hình đầu tư kinh doanh ngoại hối qua sàn, từng bước đưa loại hình đầu tư kinh doanh này vào khuôn khổ, theo pháp luật Việt Nam để có thể kiểm soát.

Cũng xem xét từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, hiện pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho tiền điện tử hay tiền ảo.

Chỉ có duy nhất một quy định tại Điểm D, Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đề cập đến hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50 đến 100 triệu đồng.

Nội dung này được áp dụng với một loại tiền tệ và quy chiếu hành vi đó vào quy định liên quan đến hành vi “sử dụng làm phương tiện thanh toán” và không hoàn toàn đúng với thực trạng hiện nay. Theo đó, đa phần những người sở hữu tiền ảo ở Việt Nam hiện nay là những nhà đầu tư vào thị giá của đồng tiền với kỳ vọng sau khi đầu tư, tiền ảo sẽ tăng thị giá, rồi bán lại nhằm tìm kiếm lợi nhuận trên suất đầu tư của mình.

Về việc tham gia forex, theo Pháp lệnh Ngoại hối, những tổ chức kinh doanh ngoại hối khi chưa được sự chấp thuận của NHNN bằng văn bản đều là hành vi trái pháp luật. Chính vì vậy, các sàn forex Việt Nam đều là những sàn chui, hoạt động phạm pháp và có thể chịu mức xử phạt hành chính lên đến 250 triệu đồng. Trong trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư với số tiền chiếm đoạt lớn, người tổ chức các sàn này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Trước tình trạng có quá nhiều vụ vỡ sàn tiền ảo, hay lừa đảo đầu tư forex trên môi trường Internet, cần sớm có hành lang pháp lý ở cấp thông tư liên ngành để kịp thời đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trong đó, cần nêu rõ cho phép hay cấm. Nếu cho phép, cần nêu rõ điều kiện và cách thức thực hiện. Nếu cấm, cần có chỉ dẫn rõ ràng để cơ quan thực thi pháp luật có cơ sở để tiến hành xử lý”, luật sư Truyền nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục