Cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng là một trong những cải cách của Việt Nam được nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế ghi nhận |
Cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cập nhật nhiều thông tin về doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp quan trọng vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua nhiều chính sách, Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, các Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn và công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên. Dự kiến Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 được công bố và xuất bản vào tháng 5-6/2019.
Nội dung Sách trắng gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018 và 2011-2015, kết cấu thành 3 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Phụ lục số liệu bộ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.
Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 có xếp hạng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân theo các tiêu chí: Doanh nghiệp đang hoạt động, tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nộp thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thu nhập của người lao động của từng địa phương.
Tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 sẽ cập nhật thông tin mới nhất về vốn hóa, chứng khoán, cổ phiếu trong bối cảnh phát triển doanh nghiệp 2018 dựa trên cơ sở dữ liệu mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ cung cấp những thông tin số liệu về đóng góp ngân sách nhà nước, chỉ tiêu về 1000 DN đóng thuế TNDN cao nhất; chỉ tiêu về thu nhập của người lao động; chỉ tiêu về lợi nhuận của doanh nghiệp; chỉ tiêu vầ tỷ lệ số DN đang hoạt động/1000 dân…
Có 18 cải cách liên quan đến môi trường kinh doanh được ghi nhận
Theo Dự thảo Sách trắng, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua có những cái thiện đáng kể. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Doing Business 2019), Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã có tới 18 cải cách được ghi nhận, đáng chú ý là chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng.
Trong khi đó, 5 năm gần đây, thứ hạng các trụ cột Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam có xu hướng cải thiện liên tục. Năm 2018, chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp vị trí thứ 45/126 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Xếp hạng chung về ĐMST của Việt Nam năm 2018 so với năm 2014 tăng 26 bậc với 6/7 chỉ số thành phần tăng hạng. Trong đó, thể chế tăng 43 bậc, nguồn nhân lực và nghiên cứu tăng 23 bạc, cơ sở hạ tầng cải thiện 21 bậc…
Trong năm 2018, đa số các bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh và được Chính phủ thông qua. Một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ, rút ngắn yêu cầu về thời gian, giảm các yêu cầu về số lượng, cắt bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh về địa điểm và cơ sở vật chất.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, hầu hết kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt trên 50%, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đạt mục tiêu Nghị quyết số 19/NQ-CP đề ra.
Dự thảo Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 cũng chỉ rõ một số bất cập về thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên nganh còn chậm, làm cho thứ bậc của Việt Nam bị giảm. Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có cải cách nào và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm. Các động lực thúc đẩy ĐMST để theo kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Thủ tục hành chính vẫn là rào cản, văn hóa doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hóa còn thấp, mức độ thương mại hóa còn hạn chế.