Ảnh minh họa: Internet |
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng kinh phí đầu tư được duyệt là 34.516 tỷ đồng với tổng chiều dài 139,2 km, chia làm 2 giai đoạn, sử dụng vốn vay của các tổ chức tài chính nước ngoài là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), Ngân hàng Thế giới (WB), do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Kết quả điều tra đến nay đã có đủ căn cứ xác định quá trình tổ chức thi công, quản lý giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục, nghiệm thu công trình Dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, dẫn đến công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.
Qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 19 đối tượng liên quan đến VEC, Ban QLDA và các nhà thầu thi công về tội danh vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015. Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo cơ quan điều tra phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám định tư pháp về chất lượng công trình xây dựng đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của Dự án (dài 74,2 km từ thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Quảng Ngãi) được đưa vào khai thác sử dụng năm 2018 cũng xảy ra nhiều điểm hư hỏng để điều tra mở rộng, xử lý triệt để các đối tượng có liên quan.
Bộ Công an cho biết, quá trình tổ chức đấu thầu rộng rãi các gói thầu đã lựa chọn được các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế tham gia thực hiện Dự án. Trong đó, Liên danh Nippon Koei - Nippon Engineering Consultant (Nhật Bản) - Thai Engineering Consultant (Thái Lan) là đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật Dự án. Liên danh Dohwa Engineering - Korea Expressway Corporation (Hàn Quốc) là đơn vị thẩm tra thiết kế kỹ thuật. Liên danh OCG - KEI (Nhật Bản) - SMEC (Australia) và CDM Smith (Mỹ) là đơn vị giám sát thi công Dự án. Liên danh các nhà thầu Việt Nam và các nhà thầu nước ngoài (Lotte, Posco (Hàn Quốc), Sơn Đông, Giang Tô (Trung Quốc), OHL (Tây Ban Nha)) là các đơn vị thực hiện công tác thi công xây lắp các gói thầu thầu của Dự án.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các nhà thầu trong các giai đoạn thực hiện Dự án đã buông lỏng công tác quản lý, thi công, giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục, công trình. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật chưa rõ ràng, thiếu ràng buộc trách nhiệm ở các khâu thực hiện Dự án đã dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng.
Cụ thể, trong công tác thiết kế mỹ thuật Dự án, theo quy định tại Điều 86 Luật Xây dựng 2014 và các văn bản hướng dẫn thì đơn vị thực hiện thiết kế kỹ thuật dự án có quyền và nghĩa vụ giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công xây dựng. Tuy nhiên, trên thực tế việc thiết kế kỹ thuật của Dự án, Chủ đầu tư chỉ sử dụng đến giai đoạn hoàn thành công tác thiết kế, liên danh tự giải thể, không tham gia vào quá trình điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và hoạt động giám sát tác giả thiết kế Dự án. Quá trình thi công Dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát có sự điều chỉnh thiết kế một số hạng mục thi công, đề nghị lập hồ sơ thay đổi về khối lượng, đơn giá các hạng mục công trình để được thanh toán chi phí phát sinh, nhưng không có sự tham gia, xác nhận của đơn vị thiết kế kỹ thuật, tiền ẩn nguy cơ có sự thông đồng, móc ngoặc làm thiệt hại tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Điều 23 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, các hợp đồng xây lắp giữa VEC và các nhà thầu thi công Dự án được thực hiện thiết kế 3 bước (thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ - thi công), trong đó bước thiết kế bản vẽ thi công do nhà thầu thi công thực hiện. Mặt khác, theo Điều 25 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, công tác thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu đầu vào, thí nghiệm sức chịu tải kết cấu, đánh giá chất lượng hạng mục công trình được thực hiện bởi đơn vị thí nghiệm hiện trường trực thuộc nhà thầu thi công. Điều này dẫn đến thiếu tính khách quan, độc lập trong công tác thiết kế, tính toán khối lượng, đánh giá chất lượng vật liệu, chất lượng thi công và quá trình nghiệm thu công trình do đều chịu sự chi phối của nhà thầu thi công.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cũng chỉ ra những bất cập, sơ hở trong hoạt động giám sát thi công công trình Dự án. Cụ thể, VEC đã ký hợp đồng với liên danh các nhà thầu nước ngoài là OC - KEI - SMEC (đoạn 65 km) và CDM Smith (đoạn 75 km) thực hiện công tác giám sát thi công các gói thầu của Dự án. Tuy nhiên, thực tế hoạt động giám sát tại hiện trường thi công chỉ có một số lượng ít kỹ sư người nước ngoài, phần lớn do các kỹ sư tư vấn của Việt Nam vừa thiếu kinh nghiệm, vừa yếu năng lực thực hiện, không có công cụ để kiểm tra chất lượng, thí nghiệm độc lập mà phụ thuộc rất nhiều vào sự điều hành hoạt động của nhà thầu thi công tại công trường. Do vậy, tư vấn giám sát không phát huy được tính độc lập, tự chủ về chuyên môn khi thực hiện công tác này nhưng vẫn tham gia ký xác nhận chất lượng các hạng mục thi công, công trình xây dựng. Trên thực tế, Liên danh giám sát thi công đã tự giải thể do Chủ đầu tư không đảm bảo thanh toán các khoản chi phí, mặc dù Dự án còn nhiều công đoạn thực hiện, công trình chưa được bàn giao chính thức đúng quy định.