Sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã có những tín hiệu tích cực khi dòng vốn thật đưa vào nền kinh tế tăng lên. Cùng với đó, các nhà ĐTNN rất quan tâm đến cơ hội đầu tư trong tương lai tại Việt Nam. Lúc này, khi điều kiện chưa thuận lợi, việc củng cố các lợi thế cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư là cần thiết để biến những quan tâm, kế hoạch của nhà đầu tư thành hiện thực.
Tập đoàn LG hiện đầu tư tại Việt Nam 7,5 tỷ USD và đang lên kế hoạch đầu tư thêm 5 tỷ USD
Tập đoàn LG hiện đầu tư tại Việt Nam 7,5 tỷ USD và đang lên kế hoạch đầu tư thêm 5 tỷ USD

Tín hiệu tích cực trong khó khăn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại cuộc họp báo ngày 29/6/2023, đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường...

Tuy vậy, theo Tổng cục Thống kê, vẫn có những tín hiệu tích cực trong thu hút ĐTNN. Cụ thể, tổng vốn ĐTNN đăng ký 6 tháng đầu năm 2023 giảm 4,3%, nhưng mức giảm này đã thấp hơn so với các tháng trước và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2022 (giảm 8,1%). Vốn đầu tư đăng ký cấp mới tăng 31,3%, đạt gần 6,5 tỷ USD và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ 2022; vốn góp, mua cổ phần tăng 79%; vốn đăng ký tăng thêm giảm 57,1%, nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ 2022. Những số liệu này khẳng định niềm tin của nhà ĐTNN đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư an toàn của Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận xét, vốn thực hiện 6 tháng đạt khoảng 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022 sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp (DN) thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 6 tháng đạt khoảng 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022 sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm Ảnh: Tường Lâm

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 6 tháng đạt khoảng 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022 sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm Ảnh: Tường Lâm

Sự quan tâm lớn từ giới đầu tư quốc tế

Tín hiệu rất tích cực khác là trong thời gian qua, giới đầu tư quốc tế thể hiện sự quan tâm rất lớn đến thị trường Việt Nam với các cam kết, kế hoạch đầu tư lớn trong tương lai.

Hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bộ, ngành và DN hai nước đã được ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc vừa diễn ra nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeo tới Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, nhiều cam kết đã được các tập đoàn lớn của của Hàn Quốc đưa ra. Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang Mo khẳng định lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất. LG hiện đầu tư tại Việt Nam 7,5 tỷ USD và đang lên kế hoạch đầu tư thêm 5 tỷ USD. Ông Kyung Shik Sohn, Chủ tịch Tập đoàn CJ cho biết, CJ đã đầu tư vào nhiều công ty tại Việt Nam với quy mô khoảng 1 tỷ USD và đang tiếp tục đầu tư thành lập trung tâm logistics, phát triển các lĩnh vực khác như thuốc thú y, công nghệ sinh học, dự án sử dụng năng lượng tái tạo... Tập đoàn SK, ngoài các khoản đầu tư hàng tỷ USD hiện có, đang hướng tới khoản đầu tư 1,3 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Chúng tôi có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, cũng có dự án cả tỷ USD. Các tập đoàn lớn vẫn đang hướng tới Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư số một”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ.

Sau Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc, ngày 7/7, Diễn đàn DN khu vực Singapore (SRBF) dự kiến diễn ra tại Hà Nội. Liên đoàn DN Singapore (SBF) cho biết, SBF sẽ dẫn đầu phái đoàn 25 DN thuộc các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, ngành hàng tiêu dùng... tham dự Diễn đàn và kết hợp làm việc.

Ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành SBF cho biết, theo Khảo sát Kinh doanh quốc gia của SBF năm 2022 - 2023, Việt Nam là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn. “Các công ty của chúng tôi bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao của Việt Nam”, ông Kok Ping Soon khẳng định.

Trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã và đang tìm kiếm các chính sách thích ứng linh hoạt hiệu quả như chuẩn bị điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng và nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Còn theo ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, ngân hàng Singapore đầu tiên có mặt tại Việt Nam, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là thị trường chiến lược quan trọng của nhiều DN. Với xu hướng “Trung Quốc +1”, Việt Nam nổi lên thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà ĐTNN. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm từ nhà ĐTNN, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất, hạ tầng, y tế và công nghệ. Kể từ khi Chính phủ đưa ra cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, các dự án xanh vào Việt Nam ngày càng nhiều, tạo nên làn sóng đầu tư nâng tầm tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Victor Ngo nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho biết, Tập đoàn Sunny - nhà sản xuất các sản phẩm, linh kiện quang học tích hợp hàng đầu thế giới - đang có kế hoạch đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp Sunny Group với tổng mức đầu tư từ 2 đến 2,5 tỷ USD, sau khi đã có nhiều khoản đầu tư lớn tại Thái Nguyên.

Chuẩn bị đón dòng đầu tư mới

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, để thu hút các dòng vốn chất lượng, Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.

Theo ông Hoàng, trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã và đang tìm kiếm các chính sách thích ứng linh hoạt hiệu quả như chuẩn bị điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng và nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam sẽ rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút ĐTNN trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà ĐTNN, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn để có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Đặc biệt là tiếp tục loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN nước ngoài mà còn của các DN tư nhân trong nước...

Nhiều địa phương cũng đang rốt ráo chuẩn bị để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, trong thời gian qua, khi thu hút còn khó khăn, tỉnh Thái Nguyên tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ cơ hội đầu tư. Đồng thời, rà soát các khu công nghiệp, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, hạ tầng, nhân lực... để sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư mới khi tình hình thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục