Nguồn: S&P Global |
Sản xuất tiếp đà hồi phục
Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 diễn ra cuối tuần qua, ông Song Jae Ho, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCG) cho hay, kết quả kinh doanh năm nay của Công ty dự kiến khả quan với sự khởi sắc của sản lượng đơn hàng và doanh thu từ khách hàng. Theo đó, Công ty đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, Công ty sẽ đạt kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2024.
Kết quả hoạt động kinh doanh được công bố trước đó ít ngày cho thấy, doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm của TCG là 120.668.779 USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2023 và ước đạt 76% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng là 9.317.809 USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 136% so với kế hoạch năm nay.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, các đơn vị ngành may trong Tập đoàn đều có hiệu quả, doanh thu tăng 10%, lợi nhuận tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Một số đơn vị cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, lợi nhuận 9 tháng vượt 75%, thậm chí vượt 100% kế hoạch cả năm 2024. Với đà này, Vinatex dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Công Thương cho biết, 2 trong số 3 động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu và tiêu dùng) đều khả quan. Đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) lạc quan hơn. Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 (bão Yagi), nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng đã nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão.
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội đánh giá, nền kinh tế đạt bước tiến quan trọng trong quá trình hồi phục.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, lũy kế đến ngày 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 610 tỷ USD, xuất siêu đạt trên 21 tỷ USD. Đồng thời dự báo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục trên 800 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường.
Đẩy mạnh gỡ khó, mở rộng thị trường xuất khẩu
Mặc dù sản lượng cũng như số lượng đơn hàng mới tăng trở lại trong tháng 10, nhưng S&P Global chỉ rõ, tốc độ chỉ tăng nhẹ. Một số công ty vẫn hoạt động dưới mức công suất tối đa, công việc tồn đọng. Các DN sản xuất tiếp tục đối mặt với những khó khăn do chi phí đầu vào tăng (giá dầu, kim loại, vận tải tăng)…
Đại diện Vinatex bày tỏ quan ngại về việc DN dệt may đang thiếu lao động dẫn đến cạnh tranh lao động khá gay gắt. Cũng vì thiếu lao động nên DN khó mở rộng sản xuất. Vinatex cho rằng, cần có những nghiên cứu, phân tích chuyên sâu để xác định nguyên nhân; khảo sát mức độ hài lòng của người lao động tại DN để có những giải pháp trọng tâm và phù hợp hơn trong việc giữ chân người lao động cũng như thu hút được nguồn lao động mới.
Một số đại biểu Quốc hội nhìn nhận, 9 tháng đầu năm nay, số lượng DN rút lui khỏi thị trường còn cao. Điều này cho thấy các DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập ngày càng dữ dội của hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội”, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị.
Một số đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, DN bị thiệt hại do thiên tai; nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu…
Trên bình diện quốc gia, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục mở ra những cơ hội mới.
Gần nhất, chuyến công tác tại các nước Trung Đông (từ ngày 27/10 - 1/11/2024) của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Trong đó, điểm nhấn là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Đây là là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ được nâng cấp và ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ả-rập nói chung; góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nước ta vào khu vực này, tiếp tục khơi thông động lực tiếp đà phục hồi, phát triển cho DN.