Hoạt động kinh doanh chính của Viettronics không mang lại lợi nhuận. Ảnh: NC st |
Kinh doanh sa sút
Viettronics được thành lập ngày 27/10/1995 trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), sản xuất, kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính: điện tử dân dụng, điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin.
Là một tên tuổi lớn, có nhiều lợi thế, nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 và 2015, lợi nhuận sau thuế của Viettronics liên tục giảm. Cụ thể, năm 2013 con số này là 35 tỷ đồng, đến năm 2014 đã giảm xuống còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Đáng chú ý, sang năm 2015 Viettronics bị lỗ 1,6 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, DN này ghi nhận lỗ ròng 19 tỷ đồng.
Nguyên nhân của kết quả bết bát nêu trên là do hoạt động kinh doanh chính của Viettronics không thể mang lại lợi nhuận. Doanh thu bán hàng không đủ để bù đắp giá vốn hàng bán cùng với các khoản chi phí bán hàng và quản lý DN. Hoạt động kinh doanh chính không mang lại hiệu quả, lợi nhuận của Viettronics chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Lãi từ hoạt động này cho các năm 2013, 2014, 2015 lần lượt là 32 tỷ đồng, 76 tỷ đồng, và 30 tỷ đồng.
Cùng với sự yếu kém của hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng tạo tiền của Viettronics cũng kém hiệu quả. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DN này đã âm 3 năm liên tiếp. Năm 2013 con số này là âm 7 tỷ đồng, thì đến năm 2014 đã nhảy vọt lên âm 54 tỷ đồng, và năm 2015 là âm 64 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm liên tiếp 3 năm kết hợp với sụt giảm lợi nhuận khiến những nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Viettronics.
Tại Văn bản số 906 TB/ĐT-TCKT ngày 31/12/2015 báo cáo về việc trả cổ tức năm 2015 và xử lý tài chính sau quyết toán vốn, Viettronics thừa nhận dòng tiền đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đất vàng - giá trị tiềm ẩn
Theo dự kiến, SCIC sẽ đấu giá cổ phần Viettronics với giá khởi điểm 15.100 đồng/CP. Đáng chú ý, các tài liệu do cơ quan tổ chức đấu giá công bố không cho biết mức giá này được tính toán dựa trên cơ sở nào.
Năm 2004, Viettronics được phép cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đã thực hiện thành công phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng ngày 21/11/2006.
Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh sa sút, tuy nhiên, giá trị của Viettronics lại tiềm ẩn ở một số mảnh đất có vị trí đắc địa mà tổng công ty này và các đơn vị thành viên đang quản lý, sở hữu. Đó có thể là cơ sở để SCIC tự tin đưa ra mức giá cao hơn khá nhiều so với mệnh giá, bất chấp DN này đang làm ăn bết bát.
Trong quá khứ, một số mảnh đất của các công ty con thuộc Viettronics đã tìm được nhà đầu tư và chuyển thành dự án bất động sản. Đơn cử như mảnh đất rộng 1,3 ha do Công ty CP Viettronics Đống Đa (công ty con của Viettronics) quản lý, tại số 56 đường Nguyễn Chí Thanh đã được khai thác thành Dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại - Văn phòng - Căn hộ cao cấp. Dự án gồm 35 tầng nổi và 6 tầng hầm. Chủ đầu tư là Công ty CP Viettronics Đống Đa. Đây là “khu đất vàng” nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh được mệnh danh là “con đường đẹp nhất Việt Nam”. Để triển khai dự án trên, Công ty CP Vincom đã góp vốn cùng Công ty CP Viettronics Đống Đa thành lập Công ty TNHH Bất động sản Viettronics với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Vincom góp 192 tỷ đồng (chiếm 64% vốn điều lệ).
Rất có thể SCIC sẽ thoái vốn thành công tại VEIC khi sức hút từ những lô đất vàng là rất lớn.