Ảnh Internet |
Đó là việc tăng vốn điều lệ của Traphaco rất nhiều năm chưa thể thực hiện được do một trong những cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa một lần đề cập. SCIC đang đầu tư, kinh doanh tại các DN ra sao?
Cố thủ ở doanh nghiệp tốt
Một cổ đông lớn chia sẻ với Báo Đấu thầu, có quỹ đầu tư đã hỏi Traphaco lên sàn để làm gì khi nhiều năm liền chưa tăng vốn? Một câu hỏi thoạt nghe tưởng như ngô nghê nhưng thực chất đang đụng đến vấn đề cốt lõi tại Traphaco. Bởi, một trong những mục tiêu khi niêm yết là tăng vốn điều lệ để cải thiện năng lực tài chính, thay vì vay vốn ngắn hạn là huy động vốn dài hạn. Với Traphaco, tăng vốn có lẽ là chuyện xa vời bởi nhiều năm rồi cổ đông lớn SCIC chưa từng đề cập. Nhà nước chủ trương thoái vốn khỏi những ngành không phải thiết yếu, nếu tăng vốn tại Traphaco, SCIC không được mua thêm và đương nhiên sẽ mất quyền kiểm soát tại DN này. Hiện tại SCIC đang sở hữu trên 35% vốn điều lệ của Traphaco, đủ để nắm quyền phủ quyết tại DN này.
Cổ phiếu của các công ty dược thời gian qua rất hấp dẫn. Trong năm 2016, cổ phiếu DHG của Công ty CP Dược Hậu Giang tăng tới 50%, cổ phiếu của Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) tăng tới 62%, cổ phiếu TRA của Traphaco đã tăng trưởng 27%. Các kết quả này cao hơn hẳn so với mức tăng 14,8% lên 664,87 điểm của Vn - Index trong năm 2016.
Hiện tại, ngoài cổ phần tại Traphaco, SCIC còn nắm giữ 43,31% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang, 34,71% tại Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco. Đáng chú ý, do không nắm cổ phần chi phối nên SCIC đã đồng ý nới room cho Domesco và ngay lập tức, giá CP của DN này đã tăng phi mã cùng các chỉ tiêu kinh doanh tăng mạnh mẽ. Nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng là nội dung trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Dược Hậu Giang, tuy nhiên điều này chưa chắc đã được cổ đông lớn SCIC thông qua.
Câu hỏi đặt ra, nếu SCIC buông sở hữu tại Traphaco và Dược Hậu Giang thì các DN này sẽ cất cánh đến đâu?
Dấu hỏi về vai trò của một nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, SCIC đã tiến hành thoái toàn bộ vốn tại 21 công ty. Trong đó, có những công ty SCIC nắm giữ vốn trên 35% như Công ty CP Đầu tư và xây lắp thành phố Cần Thơ (41,51%), Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 742 (65,5%), Công ty CP Địa ốc Vĩnh Long (73,02%), Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (chiếm 87,96% vốn điều lệ)... Điểm chung của các công ty này là đang kinh doanh sa sút, thua lỗ, làm ăn không hiệu quả.
Không ít chuyên gia cho rằng, như vậy SCIC dường như vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc phát triển hoạt động của các DNNN trước khi đem bán nhằm nâng cao giá trị đầu tư vốn của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc thoái vốn của SCIC tại các DN có vốn nhà nước đang được thực hiện chậm chạp. “Chúng ta không nên sợ thị trường không hấp thụ nổi khi thoái vốn cùng một lúc nhiều DN vì các nhà đầu tư chiến lược họ có tiền. Việc tái cơ cấu DN có vốn nhà nước cần phải do các nhà đầu tư chiến lược thực hiện vì họ cùng ngành nghề còn SCIC chỉ là tổ chức tài chính, quản lý hàng trăm DN trong các lĩnh vực khác nhau thì khó mà thực hiện được”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, để chống thất thoát tài sản nhà nước thì SCIC cần công bố thông tin bán đấu giá sớm để các nhà đầu tư chiến lược chuẩn bị kỹ càng và phải bán trọn lô để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.