Tính đến cuối năm 2015, SCIC còn quản lý 197 doanh nghiệp với vốn gốc là 20.220 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ và có giá trị thị trường lên tới 95.697 tỷ đồng. |
Là doanh nghiệp được lập ra để quản lý và kinh doanh nguồn vốn của Nhà nước, nhiều năm liền, doanh thu lớn nhất của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến từ thoái vốn, cổ tức và lãi tiền gửi ngân hàng.
Thực tế cho thấy, SCIC chưa có sự bứt phá trong các kênh đầu tư mới.
Lãi lớn từ đâu?
Theo báo cáo tài chính của SCIC, doanh thu năm 2015 của công ty đạt 10.595 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 8.004 tỷ đồng.
2015 là năm tăng trưởng vượt bậc của SCIC cả về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế tình hình kinh doanh của đơn vị này lại có không ít bất cập.
Cụ thể, SCIC đã bán vốn thành công tại 120 doanh nghiệp thu về 4.491 tỷ đồng trên giá vốn chỉ 1.682 tỷ đồng. Tuy vậy, Tổng công ty này không thể hoàn thành kế hoạch thoái vốn tại 290 doanh nghiệp như đã đề ra. Các thương vụ bán vốn đình đám được biết đến là Khách sạn Kim Liên, Vinamotor,...
Nhiều năm qua, doanh thu của SCIC chủ yếu trông chờ vào bán vốn và thu cổ tức từ các doanh nghiệp được giao quản lý. Cổ tức công ty nhận về liên tục tăng qua các năm: Năm 2011 là 1.927 tỷ đồng, năm 2012 đã tăng lên 2.151 tỷ đồng…đến năm 2015 con số này đạt mức kỷ lục lên 5.062 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với năm 2014.
Góp công lớn vào “ông vua cổ tức” là hàng loạt các doanh nghiệp đang làm ăn khá hiệu quả. Theo tính toán, năm 2015, nhờ Vinamilk trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao, SCIC đã thu về 2.705 tỷ đồng, cao hơn mức 1.502 tỷ đồng năm 2014.
FPT cũng mang về 50 tỷ đồng cổ tức và hàng triệu cổ phiếu mới cho SCIC trong năm 2015. Ngoài ra, Bảo Việt, Bảo Minh, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…là những “con gà đẻ trứng vàng” cho Tổng công ty này.
Bên cạnh đó, năm 2015, SCIC vẫn đem hàng chục nghìn tỷ gửi ngân hàng theo kỳ hạn thu về khoản lãi 1.025 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, công ty cũng đem lượng tiền lớn gửi ngân hàng, thu lãi 1.568 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Tổng công ty này chưa tìm được hướng đi mới, dự án khả thi để đầu tư có hiệu quả khi lộ trình sắp tới sẽ phải thoái vốn tại các doanh nghiệp quản lý.
Trong trường hợp vẫn giữ chiến lược như hiện tại, chắc chắn kết quả kinh doanh của công ty sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Quyết định 2344, tính đến cuối năm 2015, danh mục đầu tư của SCIC còn 100 doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế Tổng công ty vẫn còn quản lý vốn tại 197 doanh nghiệp.
Trong số này có hơn 90 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhiều năm, một số doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục phá sản hoặc thuộc diện phải giám sát đặc biệt. Không có nhà đầu tư quan tâm nên rất khó để bán vốn, nhiều doanh nghiệp tổ chức bán nhiều lần nhưng vẫn ế.
Khó buông “gà đẻ trứng vàng”
Theo quyết định về việc thành lập SCIC do Thủ tướng Phan Văn Khải ký năm 2005, SCIC được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH nhà nước, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập.
SCIC được đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước dưới hình thức: góp vốn vào những lĩnh vực Nhà nước cần chi phối để thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần với các doanh nghiệp khác; đầu tư mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác; đầu tư trên thị trường vốn, chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và công cụ tài chính khác.
Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tính đến cuối năm 2015, SCIC còn quản lý 197 doanh nghiệp với vốn gốc là 20.220 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ và có giá trị thị trường lên tới 95.697 tỷ đồng. Trong đó, 20 doanh nghiệp có tỷ trọng vốn nhà nước là 56,3%, 45 doanh nghiệp có tỷ trọng 29,5%…
Đầu tháng 10/2015, Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép SCIC thoái hết vốn tại Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh… với quy mô thoái vốn vượt 3,5 tỷ USD.
Đây đều là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất mà SCIC đang đại diện quản lý phần vốn của nhà nước.
Trong khi thị trường chứng khoán chờ đợi đợt thoái vốn “lịch sử” này thì phía cơ quan nhà nước và SCIC vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Một số doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn cũng tỏ ra sốt ruột, chẳng hạn Vinamilk đã rút khỏi 7 ngành nghề kinh doanh để thúc đẩy việc mở room cho khối ngoại nhanh hơn.
Tuy nhiên, các phương án vẫn đang được cân nhắc.
Theo lời một lãnh đạo SCIC trong cuộc gặp báo chí mới đây, nếu bán vốn tại các doanh nghiệp trên phải có kênh đầu tư mới hiệu quả hơn. Việc kinh doanh mà đặt trong bối cảnh chỉ đạo hành chính thì rất khó. Hãy để dòng vốn vận hành theo quy luật thị trường thì tốt hơn.