Dược Hậu Giang, Domesco và Traphaco nằm trong danh sách 132 doanh nghiệp SCIC bán vốn trong giai đoạn 2017 – 2020. Ảnh: Tường Lâm |
Đáng chú ý, trong danh sách này có sự góp mặt của nhiều ông lớn ngành dược như Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty CP Traphaco.
Diện mạo 3 ông lớn
Theo báo cáo tài chính quý I/2017, Công ty CP Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu 882 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 173 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,2% và 14,2% so với cùng kỳ 2016, hoàn thành khoảng 25% kế hoạch đặt ra. Trước đó, trong năm 2016, Dược Hậu Giang đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng tự sản xuất giúp doanh nghiệp này đạt hơn 3.782 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 4.8% so với năm 2015). Với sự tham gia của cổ đông lớn nước ngoài Taiso, việc tái cơ cấu chính sách bán hàng đã giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện 6,4%, tăng lên mức 45,6%, cao hơn hẳn mức bình quân 38,6% của ngành. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế đạt 713 tỷ đồng tương ứng tăng 20,3% so với năm 2015.
Cũng giống như trường hợp của Dược Hậu Giang, lợi nhuận của Domesco năm 2016 cũng tăng trưởng ấn tượng và đạt đỉnh. Tuy doanh thu năm 2016 của Công ty giảm nhẹ so với năm 2015 nhưng biên lợi nhuận gộp được cải thiện đã giúp Domesco lãi gộp 498 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ). Lãi ròng cả năm 2016 đạt 168,5 tỷ đồng, tăng tới 18%. Đáng chú ý, quý I/2017, Domesco cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Cụ thể, doanh thu của Domesco đạt 279 tỷ đồng, tương đương con số cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chi phí bán hàng giảm mạnh khiến lãi ròng trong kỳ tăng hơn 36%, đạt 48 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý I/2017, Công ty đã thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và hơn 26% chỉ tiêu lãi ròng.
Đối với Traphaco, lợi nhuận ròng của Công ty năm 2016 cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động, đạt 228 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2015). Tiếp đà tăng trưởng của năm 2016, doanh thu thuần quý I/2017 của Traphaco đạt 402 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm hơn 30% khiến lợi nhuận gộp chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 219 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2017, lợi nhuận trước thuế của Traphaco đạt 62 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2016. Lãi ròng đạt 41 tỷ đồng, giảm 17%.
Không chỉ tăng trưởng lợi nhuận tích cực, giá cổ phiếu của các công ty này cũng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2017. Cụ thể, giá cổ phiếu Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) và Domesco (mã chứng khoán DMC) đã tăng gần gấp đôi, lần lượt từ 64,34 nghìn đồng lên 124,3 nghìn đồng và từ 67,4 nghìn đồng lên 130 nghìn đồng. Giá cổ phiếu Traphaco (mã chứng khoán TRA) tăng 33%, từ 93,41 nghìn đồng lên 124,6 nghìn đồng.
Miếng ngon khó “nhả”
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Traphaco diễn ra vào cuối tháng 3/2017, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện sở hữu vốn của SCIC tại Traphaco cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Traphaco vẫn thuộc danh mục đầu tư lâu dài của SCIC. Cũng tại ĐHĐCĐ 2017 của Dược Hậu Giang, diễn ra vào giữa tháng 4/2017, ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, trong thời gian tới, theo xu hướng chung, có thể SCIC sẽ xem xét việc thoái vốn khỏi Dược Hậu Giang nhưng tầm ngắn hạn 2 - 3 năm thì chưa có. Trong danh sách bán vốn năm 2017 cập nhật ngày 13/4/2017, được đăng tải trên website của SCIC, cũng không có tên của 3 doanh nghiệp hàng đầu ngành dược trên.
Tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép SCIC tiếp tục nắm giữ vốn và đầu tư dài hạn đối với 10 doanh nghiệp. Trong đó có 3 công ty hàng đầu ngành dược hiện nay là Dược Hậu Giang, Domesco, và Traphaco. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng để một phương án mở là cho phép SCIC được chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trên.
Theo Quyết định 1001/QĐ-TTg, việc bán vốn tại các DN ngành dược đã có lộ trình rõ nét hơn. Cụ thể, Dược Hậu Giang, Domesco và Traphaco nằm trong danh sách 132 doanh nghiệp SCIC bán vốn trong giai đoạn 2017 - 2020.
SCIC đang nắm giữ 36% cổ phần tại Traphaco, 43% tại Dược Hậu Giang, và 35% tại Domesco.