Siết kỷ cương công tác quyết toán vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành. Nhiều ý kiến cho rằng, chậm quyết toán vốn đầu tư là một nút thắt làm giảm hiệu quả của đầu tư công và cần được siết chặt kỷ cương.
Nhiều địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 27/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ban ngành, ban quản lý dự án, UBND các cấp đẩy mạnh công tác quyết toán. Theo đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đơn vị liên quan thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định. Tỉnh Bình Dương yêu cầu “công khai danh sách dự án do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán”. Bên cạnh đó, công khai danh sách nhà thầu vi phạm thời gian lập quyết toán trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thông báo cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng như không cho nhà thầu có vi phạm tham gia gói thầu, dự án mới.

Trong khi đó, UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư và cơ quan quản lý đấu thầu công bố công khai danh sách và địa chỉ các nhà thầu vi phạm quy định về lập hồ sơ quyết toán hợp đồng; đồng thời có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định. TP.HCM sẽ không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 12 tháng trở lên; không cho phép nhà thầu đang có hợp đồng vi phạm qui định về thời gian quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án mới.

Cùng thời gian, UBND các tỉnh Kon Tum, Quảng Trị, An Giang… cũng đưa ra chỉ đạo tương tự.

Thực tế, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo, tình trạng chậm trễ quyết toán vốn đầu tư công tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua ở nhiều địa phương là nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư công. Một số dự án sử dụng vốn trong nước chậm tiến độ giải ngân do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành.

Theo Bộ Giao thông vận tải, một số dự án chưa được quyết toán dứt điểm, nhất là các dự án ODA, BOT và quyết toán giải phóng mặt bằng tại địa phương. Việc xử lý, chấp hành kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán nhà nước còn chậm, chưa triệt để. Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, ban quản lý dự án chưa chú trọng rà soát, hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định quản lý đầu tư xây dựng.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định, tại một số dự án, chủ đầu tư chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm toán dẫn tới việc kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ trình quyết toán. Bên cạnh đó, một số dự án đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa kịp thời hoàn thiện các thủ tục kiểm tra hồ sơ nghiệm thu với cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy... dẫn đến kéo dài thời gian lập hồ sơ quyết toán.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư cho biết, hiện nay, còn tình trạng đơn vị tư vấn thiết kế năng lực hạn chế, chất lượng hồ sơ còn nhiều sai sót nên hồ sơ trình duyệt phải chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, gây khó khăn trong quá trình thanh quyết toán các dự án hoàn thành.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử lý nhà thầu vi phạm thời gian quyết toán sẽ giúp nhà thầu tăng tính chuyên nghiệp. Bởi thực tế, quá trình phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu còn chậm, do nhà thầu thi công không phối hợp hiệu quả. Một số nhà thầu không thống nhất trong việc lập hồ sơ quyết toán để trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dẫn đến kéo dài việc quyết toán…

Một số nhà thầu thông tin đến Báo Đấu thầu cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới chậm trễ hoàn thành quyết toán dự án. Đầu tiên là các thủ tục từ phía chủ đầu tư, cơ quan liên quan bị kéo dài, có nhiều thay đổi, thậm chí là chậm trễ trong bố trí vốn cho nhà thầu. Thứ hai là do vướng mắc mặt bằng, không thể nghiệm thu, bàn giao để quyết toán. Có những dự án dù đã hoàn thành hơn 96% khối lượng, nhưng 10 năm vẫn không thể quyết toán do vướng 1 hộ dân không bàn giao mặt bằng. Đây là những nguyên nhân khách quan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà thầu. Do đó, có chế tài mạnh xử lý việc chậm quyết toán đúng đối tượng, phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục