Tại địa chỉ https://hanel.com.vn/, Hanel đã tự giới thiệu là “chủ đầu tư” dự án Khu công viên công nghệ thông tin tập trung tại Tuần Châu. Ảnh: Nhã Chi |
Nếu theo quy trình hiện hành, Công ty CP Hanel - nhà đầu tư lập quy hoạch 1/500 dự án - sẽ phải trải qua những bước nào nếu muốn trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án này?
Lợi thế của Hanel
Như Báo Đấu thầu đã thông tin, ngày 27/11, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã công bố danh mục Dự án Khu công viên công nghệ thông tin tập trung (CNTTTT) tại phường Tuần Châu, TP. Hạ Long. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 4.789,9 tỷ đồng.
Dù vậy, trên website chính thức của Công ty CP Hanel tại địa chỉ https://hanel.com.vn/, Hanel đã tự giới thiệu là “chủ đầu tư” dự án Khu công viên CNTTTT tại Tuần Châu. Theo như giới thiệu của Hanel, đây sẽ là khu tập trung các hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT; cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ khu CNTT cho các tổ chức, doanh nghiệp, các hoạt động khác liên quan đến CNTT. Trong đó có cả khách sạn siêu cấp trên 5 sao công suất khoảng 700 phòng và trung tâm hội thảo quốc tế, trung tâm thương mại công nghệ...
Nếu không có gì đặc biệt, theo đúng quy trình, sau khi công bố danh mục, Dự án sẽ được tiến hành bước sơ tuyển rộng rãi quốc tế. Nếu qua sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng và được lựa chọn vào danh sách ngắn thì sẽ chỉ định thầu, nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên vượt qua sơ tuyển, Dự án sẽ đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.
Theo nhiều nguồn tin, Công ty CP Hanel là nhà đầu tư lập quy hoạch Dự án. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên CNTTTT này đã được UBND TP. Hạ Long phê duyệt tháng 6/2018.
Thực tiễn lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất lớn tại Quảng Ninh và cả nước thời gian qua cho thấy, đa số dự án đã được chỉ định thầu với lý do chính là chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển và là nhà đầu tư đề xuất dự án. Kịch bản này liệu có lặp lại với Hanel tại dự án nêu trên hay không sẽ còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, dù thế nào thì Hanel vẫn có lợi thế rất rõ khi là nhà đầu tư lập quy hoạch Dự án.
Hanel đã sẵn sàng cho Dự án?
Công ty CP Hanel, tiền thân là Công ty TNHH MTV Hanel thành lập năm 1984. Doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2017. Theo đăng ký doanh nghiệp mới nhất (ngày 27/6/2018), Hanel có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố của doanh nghiệp này, từ 28/6/2017 đến 31/12/2017, tổng doanh thu của Công ty là 481 tỷ đồng, tổng chi phí 456 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 26,652 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2018 vốn góp chủ sở hữu đạt 1.926 tỷ đồng, tổng doanh thu 972,423 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 55,258 tỷ đồng.
Không chỉ đề xuất siêu dự án Khu công viên CNTTTT Tuần Châu, Hanel là chủ đầu tư nhiều dự án lớn, trong đó có Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội tại quận Long Biên, Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên tới 12 nghìn tỷ đồng. Dự án này mới đang trong bước đầu thực hiện, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022.
Nhiều dự án khác của Hanel cũng đang triển khai thực hiện là Dự án Đầu tư tổ hợp khách sạn 5 sao tại Cu Ba; Dự án Đầu tư xây dựng tòa nhà thương mại điện tử và văn phòng Hanel (E9 Phạm Hùng, Hà Nội) 1.535 tỷ đồng; Dự án 409 Lĩnh Nam (Hà Nội) 1.254 tỷ đồng…
Chính Công ty Hanel cũng xác định, các dự án đang triển khai đều là dự án khó, đầu tư công nghệ, nếu không triển khai tốt rất dễ lỗ, như dự án nhà ở thì nhanh chóng đem lại nguồn thu nhưng đầu tư khu công viên phần mềm thì thời gian kinh doanh kéo dài nên Công ty phải tính toán thứ tự ưu tiên thực hiện để đem lại hiệu quả. Dự án lớn nhất hiện nay của Hanel là Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội đang trong giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đầu tư, sau 3 - 5 năm mới bắt đầu khai thác có nguồn thu.
Với rất nhiều dự án đang triển khai dở dang, Hanel nếu may mắn được lựa chọn là nhà đầu tư dự án hơn 4.700 tỷ đồng nêu trên tại Quảng Ninh, thì vấn đề đảm bảo năng lực tài chính để triển khai đúng tiến độ, chất lượng Dự án là rất quan trọng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lưu ý trong quá trình đấu thầu.