Ảnh Internet |
Techcombank, TPBank, OCB rục rịch lên sàn
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Theo đó, ngày chốt danh sách cuối cùng là 21/03/2018. Kể từ ngày 20/03/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã ngừng tiếp nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán để đăng ký niêm yết.
Trước đó, hồi tháng 11/2017, TPBank đã công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án niêm yết trên HOSE với phương án khóa room ngoại và chào bán 33,5 triệu cổ phần (4,99% vốn) cho nhà đầu tư nước ngoài và 54,1 triệu cổ phần (8,05% vốn) cho các nhà đầu tư trong nước. Các vấn đề này đã được Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng thông qua vào ngày 7/12/2017.
Còn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) diễn ra ngày 3/3/2018, kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã được cổ đông thông qua. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank cho biết, năm 2018, cùng với việc Ngân hàng đưa ra kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài và cổ phần ưu đãi cho người lao động, đây sẽ là thời điểm phù hợp để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy chưa rõ thời điểm cụ thể tiến hành niêm yết nhưng cổ đông Techcombank đã ủy quyền cho HĐQT Ngân hàng thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn thành kế hoạch niêm yết trên HOSE ngay trong năm nay.
Được biết, ngày 12/3/2018, Techcombank đã công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Quỹ Warburg Pincus. Tuy nhiên, chưa rõ lượng cổ phiếu mà Warburg Pincus dự kiến sẽ mua trong đợt này. Về Warburg Pincus, đây là quỹ ngoại có một danh sách đầu tư “khủng” vào Việt Nam trong 5 năm qua. Bắt đầu từ năm 2013, quỹ ngoại này đã rót khoản đầu tư tổng cộng 300 triệu USD vào Vincom Retail, và thu về hơn 740 triệu USD từ đợt bán cổ phiếu lần đầu vào tháng 11/2017. Bên cạnh đó, Warburg Pincus cũng vừa rót thêm khoản đầu tư 200 triệu USD kết hợp với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC thành lập một liên doanh để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), dù không chia sẻ nhiều, song lãnh đạo ngân hàng này cũng cho hay, OCB sẽ xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE khi điều kiện thị trường thích hợp, có thể vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Techcombank có nhiều ưu thế
Tính đến nay, trong tổng số 35 ngân hàng trong nước, đã có 15 ngân hàng có cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, VCB, CTG, BID, MBB, VPB, HDB, STB và EIB được giao dịch trên HOSE; ACB, SHB và NVB trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX); LPB, VIB, KLB và BAB được giao dịch trên UPCom.
Tỷ trọng thu nhập/Tổng thu nhập hoạt động 2017
Mặc dù chưa được đưa lên giao dịch trên thị trường chứng khoán thứ cấp, nhưng hoạt động giao dịch cổ phiếu của Techcombank, TPBank và OCB vẫn diễn ra tương đối sôi nổi trên sàn OTC. Theo thống kê của Báo Đấu thầu, với mức giá ngày 20/3, chỉ số P/E của Techcombank và OCB lần lượt là 12,18 và 12,03, thấp hơn so với con số trung bình của ngành ngân hàng tính đến thời điểm 20/3 là 17,07. Còn P/E của TPBank ở mức 17,42.
Xét về hiệu quả sinh lời dựa trên hai chỉ số tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), Techcombank đang là ngân hàng dẫn đầu với số liệu tính toán của Báo Đấu thầu lần lượt là 2,55% và 27,71%, cao hơn cả VPBank và Vietcombank. Chỉ số ROA, ROE của OCB và TPBank cũng cho thấy những tín hiệu khả quan.
Đáng chú ý, thu nhập của ngành ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng, chiếm 70 - 80% tổng thu nhập hoạt động. Thậm chí, có ngân hàng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng chiếm đến gần 90% tổng thu nhập hoạt động. Tuy nhiên, mảng phi tín dụng lại tạo ra tới 45% tổng thu nhập hoạt động cho Techcombank.