Ảnh minh họa: Internet |
Bộ Tài chính cho biết, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng (năm 2018 bố trí 4.500 tỷ đồng, năm 2019 bố trí 16.646,192 tỷ đồng, năm 2021 bố trí 4.660 tỷ đồng). Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến ngày 30/10/2022, Dự án ước giải ngân được 16.646,192 tỷ đồng, đạt 72,83% kế hoạch được giao.
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đến ngày 30/10/2022, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời, 2 vị trí đường điện cao thế thuộc tỉnh Bình Thuận. Về thi công xây dựng, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đạt khoảng 30.224 tỷ đồng/57.435 tỷ đồng, tương đương 52,6% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 3% so với kế hoạch.
Trong đó, 4 dự án thành phần cao tốc dự kiến hoàn thành trong năm 2022 đạt sản lượng trung bình 70,1% so với giá trị hợp đồng, chậm khoảng 4% so với kế hoạch. 4 dự án thành phần cao tốc dự kiến hoàn thành trong năm 2023 có sản lượng trung bình đạt 54% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch đề ra. 2 dự án thành phần dự kiến hoàn thành năm 2024 có sản lượng trung bình đạt 20,9% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% so với kế hoạch.
Bộ Tài chính cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là 78.461 tỷ đồng. Đến nay đã bố trí cho Dự án trong kế hoạch hàng năm 47.986,6 tỷ đồng, trong đó kế hoạch năm 2022 là 15.484,8 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa giao kế hoạch năm cho Dự án là 30.483,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, ước lũy kế số vốn ngân sách nhà nước giải ngân cho Dự án đến ngày 30/10/2022 là 41.371,9 tỷ đồng, đạt 86,2% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2022 là 9.569 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch năm 2022 được giao.
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cho biết đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần, giao cho các Ban quản lý dự án của Bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc GPMB cho địa phương từ cuối tháng 6/2022.
Hiện nay, các Ban quản lý dự án của Bộ GTVT đang xây dựng tiến độ triển khai chi tiết để đảm bảo khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022 theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Các địa phương cũng đã thực hiện công tác trích đo tại thực địa đạt 99,5% và công tác kiểm kê tài sản trên đất đạt 93%; đang tích cực triển khai xây dựng khu tái định cư, lập phương án đền bù, GPMB…
Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án này là 119.644,586 tỷ đồng và đã được Bộ GTVT phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2022 là 8.591,8 tỷ đồng cho từng dự án thành phần. Tuy nhiên, tổng số vốn ước giải ngân đến hết ngày 30/10/2022 của Dự án mới đạt 949,6 tỷ đồng, đạt 11,1% kế hoạch năm 2022.
Theo chuyên gia đầu tư, dự án này được bố trí vốn nhiều để đền bù, GPMB nhưng đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm (chủ yếu mới thực hiện thủ tục kê biên, kiểm đếm và lập phương án đền bù, thẩm định giá chậm) nên giải ngân rất thấp. Dự án cũng mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công. Do đó, tiến độ giải ngân vốn của dự án này sẽ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm khi các gói thầu đầu tiên được khởi công.
Bộ GTVT cũng cho biết, 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia thành 10 dự án thành phần (2 dự án thành phần do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản; 8 dự án thành phần còn lại được phân cấp cho các địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản). Đến nay, Bộ GTVT đã dự kiến phương án phân bổ từng nguồn vốn cho từng dự án thành phần (đã lấy ý kiến các bộ và địa phương), đang tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch trung hạn để thực hiện.