Thông báo số 348/TB-VPCP nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La đạt 5,15% (thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra), nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm xây dựng, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp như cây cà phê, chè, cây ăn quả.... Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, lao động giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ...
Tuy nhiên, Sơn La còn rất nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, đặc biệt công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, số doanh nghiệp còn ít so với tỷ lệ người dân, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp so với bình quân cả nước, còn nhiều huyện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn cao...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra cho năm 2017 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Sơn La cần tập trung rà soát lại các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao để chỉ đạo hoàn thành toàn diện vượt mức đề ra nhất là chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, giảm nghèo... năm 2017 và những năm tiếp theo.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh; tập trung phát triển doanh nghiệp mới và hợp tác xã, phấn đấu đến năm 2020 có trên 7 nghìn doanh nghiệp. Tỉnh phải xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tỉnh cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, trước hết lợi thế về đất đai, khí hậu, tạo khung chính sách để nhà đầu tư thực hiện tái canh, mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị cao như cà phê, chè, cây ăn quả...; đẩy mạnh thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
Phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình sản phẩm, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đồng thời, tỉnh phải có các giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển; kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm; tập trung các nguồn lực, triển khai tốt các giải pháp, đảm bảo hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương đẩy nhanh tiêu chí các xã có điều kiện của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực xã hội; trong đó cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chuyển đổi cơ cấu lao động, đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, nhất là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động. Đặc biệt quan tâm các gia đình được hưởng chính sách tại các khu tái định cư thủy điện.