“Sóng ngầm” đầu tư vào hạ tầng logistics

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong những điểm nghẽn khiến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam rất cao là do hạ tầng logistics vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, trong đó bao gồm cả hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi, giao nhận (liên quan tới bất động sản). Trước những tiềm năng và cơ hội mới mở ra đối với ngành dịch vụ này, đang có một “làn sóng ngầm” đầu tư vào bất động sản logistics.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cam kết rót vốn vào các thương vụ phát triển hạ tầng logistics với số vốn hàng tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cam kết rót vốn vào các thương vụ phát triển hạ tầng logistics với số vốn hàng tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, với khối lượng hàng hóa sản xuất, lưu trữ trong nước cũng như lượng hàng hóa xuất khẩu lớn đòi hỏi cần có hạ tầng đủ lớn và hiện đại để xử lý được các nguồn hàng hóa mà không gây ách tắc, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).

Về chất lượng hạ tầng logistics của Việt Nam hiện nay, ông Hải cho rằng, vẫn còn rất manh mún, chưa có quy hoạch đồng bộ… Tuy nhiên, theo ông Hải, với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu cùng các dự báo tích cực về phát triển kinh tế thời gian tới, bất động sản logistics đang là một chủ đề nóng, được quan tâm hiện nay.

“Một thị trường bất động sản logistics đang hình thành và tăng tốc nhanh hơn bất kỳ loại hình bất động sản nào khác trong giai đoạn này... Dường như một làn sóng ngầm các nhà đầu tư săn lùng vị trí đắc địa để xây dựng trung tâm logistics đang tràn đến”, ông Hải cho biết.

Một DN trong lĩnh vực bất động sản logistics chia sẻ, không đem lại lợi nhuận cao như bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng hay nhà ở, bất động sản logistics không đòi hỏi đầu tư nhiều, đem lại doanh thu ổn định trong thời gian dài. Với xu hướng chuyên môn hóa trong chuỗi cung ứng hiện đại, các DN sản xuất, thương mại tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và sẽ thuê ngoài các kho bãi để chứa nguyên liệu, thành phẩm nên nhu cầu về trung tâm logistics chỉ có tăng trong thời gian tới. Đây là một cơ hội đang được các nhà đầu tư rất quan tâm.

Ông Hải cho biết thêm, giờ đây nếu dạo qua một vòng các khu công nghiệp ở Bình Dương, sẽ bắt gặp rất nhiều đơn vị không phải là DN sản xuất công nghiệp mà là các trung tâm logistics. Thực tế này cũng bắt đầu diễn ra ở các địa phương khác như Bắc Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam cho biết, hiện thị trường bất động sản logistics Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư bởi có nhiều tiềm năng để phát triển. “Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện…, nhiều DN sản xuất nước ngoài đang có nhu cầu mở rộng thị phần tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho bất động sản logistics phát triển để phục vụ lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu”, bà Trang nhận định.

Theo bà Trang, thị trường này thời gian qua đón một làn sóng đầu tư lớn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết rót vốn vào các thương vụ phát triển hạ tầng logistics với số vốn hàng tỷ USD.

Trên thực tế, các khu vực xung quanh Hà Nội như: Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đang ở trong tầm ngắm của các nhà đầu tư logistics. Ngay cả những DN vốn xa lạ với logistics như T&T Group, BRG cũng đã bước chân vào lĩnh vực này.

“Cuối năm 2019, Tập đoàn T&T Group đã hợp tác với Tập đoàn YCH (Singapore) để đầu tư Trung tâm logistics và cảng cạn quốc tế có ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Không chỉ là cảng cạn, sau khi hoàn thành, trung tâm này sẽ cung cấp toàn bộ giải pháp chuỗi cung ứng cho khách hàng quốc tế”, một nhà đầu tư cho biết.

Hay như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư dự án về logistics, trong đó có Dự án IDC Tân Cảng - Quế Võ dự kiến hoàn thiện và đưa vào sử dụng tháng 4/2021.

Một số nguồn tin cho biết, Tập đoàn Bến Thành dự kiến đầu tư một khu công nghiệp dịch vụ logistics, công nghệ cao và cảng biển tại Quảng Ninh với quy mô 4.988 ha, vốn đầu tư trên 58.200 tỷ đồng. Quý III/2020, một liên danh Bỉ, Hà Lan và Việt Nam bày tỏ ý định xây dựng một trung tâm logistics với quy mô vốn xấp xỉ 1 tỷ USD ở Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Với những cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là những cơ chế hấp dẫn của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực vào đầu năm 2021, các nhà đầu tư nhận định, chắc chắn hoạt động đầu tư vào thị trường bất động sản logistics của Việt Nam sẽ ngày càng sôi động.

Tin cùng chuyên mục