Theo Báo cáo, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng 2/2024 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp. Đà tăng trưởng duy trì đã giúp việc làm tăng trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của một năm.
Tuy nhiên, các công ty tiếp tục giảm hoạt động mua hàng, và thay vào đó là dùng hàng tồn kho để phục vụ sản xuất và đáp ứng các đơn hàng. Trong khi đó, các công ty cũng đã tăng giá bán hàng để bù đắp mức tăng của chi phí đầu vào, mặc dù chỉ là nhỏ.
S&P Global cho biết, PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 50,4 điểm trong tháng 2/2024, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1/2024 và nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. "Mức độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất thể hiện thông qua chỉ số vẫn chỉ là nhẹ", S&P Global nhận xét.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp, và một số người trả lời khảo sát cho rằng, nguyên nhân khiến tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng là do số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã chậm lại, và mức tăng chỉ là nhẹ.
Phù hợp với bức tranh của số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng được ghi nhận tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 2/2024. Mức tăng kỳ này là nhẹ và hầu như ngang bằng với mức được ghi nhận trong tháng 1/2024. Sản lượng tăng ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản, nhưng giảm ở lĩnh vực hàng hóa trung gian.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong 4 tháng, và mức tăng là cao nhất trong thời gian một năm. Tuy nhiên, một số người trả lời khảo sát cho biết, họ chỉ tuyển dụng nhân công mới tạm thời.
Với số lượng việc làm tăng và khi mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới vẫn còn thấp, các công ty đã có thể hoàn thành lượng công việc tồn đọng lần đầu tiên trong 3 tháng.
"Một phần, các công ty đã sử dụng hàng tồn kho thành phẩm để đáp ứng yêu cầu đơn hàng, từ đó khiến hàng tồn kho sau sản xuất tiếp tục giảm. Trên thực tế, tốc độ giảm kỳ này là nhanh nhất trong 4 tháng, và là 1 trong 2 lần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2023", báo cáo của S&P Global nhận định.
Theo Báo cáo, các nhà sản xuất cũng quyết định sử dụng tồn kho hàng mua trong tháng 2 thay vì mua mới. Hoạt động mua hàng đã giảm nhẹ tháng thứ tư liên tiếp, trong khi lần giảm kỳ này của tồn kho hàng hóa đầu vào là đáng kể nhất kể từ tháng 6/2021.
Ở những nơi các công ty mua hàng hóa đầu vào, họ tiếp tục gặp phải tình trạng kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 2, khi các báo cáo cho thấy tình trạng chậm trễ của khâu vận chuyển. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là nhỏ.
Báo cáo của S&P Global chỉ ra, tình trạng chậm trễ của khâu vận chuyển xảy ra trùng với tình trạng chi phí vận tải tăng, mà tình trạng này thường được cho là do giá dầu tăng. Kết quả là, chi phí đầu vào tiếp tục tăng đáng kể trong tháng 2/2024, mặc dù mức độ tăng là thấp nhất kể từ tháng 9/2023. Các nhà sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản có mức tăng chi phí đầu vào đặc biệt mạnh.
Một số nhà sản xuất đã chuyển gánh nặng chi phí đầu vào cao sang cho khách hàng, từ đó khiến giá bán hàng tăng nhẹ sau khi giảm nhẹ trong kỳ khảo sát trước. Mức tăng giá chỉ là nhẹ phản ánh thực trạng một số công ty cố gắng hạn chế tăng giá vì áp lực cạnh tranh.
"Các kế hoạch mở rộng sản xuất và đưa ra các sản phẩm mới đã góp phần làm tăng niềm tin kinh doanh vào thời điểm giữa quý I, và tâm lý lạc quan về sản lượng cũng phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới. Niềm tin kinh doanh đạt mức cao của một năm khi có gần 55% số người trả lời khảo sát thể hiện sự lạc quan", báo cáo của S&P Global cho biết.