Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA đã ký kết

(BĐT) - Thực chất con số 22 tỷ USD bị ách tắc giải ngân như báo chí phản ánh đã được Bộ Tài chính làm rõ là con số cam kết. Sẽ còn cần nhiều giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa con số cam kết này, nhưng vấn đề quan trọng hơn có lẽ là sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA đã ký kết.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Số ODA ký kết có xu hướng giảm dần

Theo Bộ Tài chính, con số 22 tỷ USD thực chất là vốn cam kết, không phải là vốn thực tế nhà tài trợ đã ký với Chính phủ Việt Nam. Thực tế cho thấy, luôn có sự chênh đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và con số giải ngân.

Theo Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 2,564 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay. Theo Bộ KH&ĐT, đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này để đảm bảo nợ công bền vững. Ngoài ra, tình hình này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như: công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương còn nhiều chậm trễ; chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư; một số bộ, ngành, địa phương chưa sẵn sàng áp dụng mô hình viện trợ mới như phương thức tài trợ chương trình,…

Khi chuyển đổi từ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sang Diễn đàn Đối tác phát triển, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khi đó cũng đã nhấn mạnh, Diễn đàn sẽ không thảo luận về vấn đề cam kết vốn ODA như Hội nghị CG để tập trung vào đối thoại chính sách hiệu quả hơn. Chính phủ Việt Nam vẫn rất coi trọng mức ODA cam kết của các nhà tài trợ, nhưng trong bối cảnh mới, tư vấn về chính sách là rất cần thiết. Hỗ trợ ODA xét về tài chính là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chia sẻ, tư vấn về kinh nghiệm phát triển, để Việt Nam “tự đi trên đôi chân của mình”.

Đẩy mạnh giải ngân vốn ODA

Nhiều ý kiến cho rằng, có 3 việc cần kiên quyết hơn nữa trong quản lý dự án ODA. Đó là kiên quyết trong việc đưa vào danh sách đen các nhà thầu, dự án yếu kém dẫn đến chây ỳ, chậm trễ trong triển khai để tuyệt đối không cho tham gia các gói thầu khác; kiên quyết hơn trong đánh giá năng lực các ban quản lý, trường hợp yếu kém không giao dự án mới; và kiên quyết hơn trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế theo hướng đơn giản hóa, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ.
Theo Bộ KH&ĐT, trong 5 năm qua, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân đạt 23 tỷ USD, cao gấp 1,6 lần so với 5 năm trước. Việt Nam đã trở thành nước có tỷ lệ giải ngân cao hàng đầu trong số các nước nhận ODA của Nhật Bản, WB, ADB. Việc giải ngân được cải thiện đưa tới kết quả nhiều công trình đầu tư bằng nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều công trình tầm cỡ quốc gia đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng hạn góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT cũng nhận định, vẫn còn một lượng không nhỏ các dự án còn nhiều ách tắc, tiến độ giải ngân chậm. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 1,85 tỷ USD, thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân được Bộ KH&ĐT đưa ra là do công tác chuẩn bị dự án đầu tư không thực sự tốt, dự án phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện dẫn đến kéo dài thời gian triển khai; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ, kịp thời; năng lực các cơ quan thực hiện dự án còn hạn chế, một số lĩnh vực mới đầu tư bằng nguồn vốn ODA như metro, đường cao tốc,… sử dụng các công nghệ mới nên việc triển khai đôi khi còn lúng túng, chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Về vấn đề vốn đối ứng, Bộ KH&ĐT cho biết thêm, việc bố trí vốn đối ứng của các dự án ODA theo cam kết của các địa phương không được đảm bảo, trong khi khả năng hỗ trợ ngân sách trung ương còn nhiều hạn chế. Khi xây dựng, đề xuất dự án thì phần lớn các địa phương đều sẵn sàng cam kết sẽ chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án, nhưng trong quá trình thực hiện do hạn hẹp của nguồn vốn ngân sách địa phương đã không bố trí được đầy đủ để thực hiện dự án.

Trong số các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA, Bộ KH&ĐT lưu ý cần hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện dự án, thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những dự án chậm tiến độ. Bên cạnh đó, có cơ chế tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA trên địa bàn mình để đảm bảo các tỉnh, thành phố bố trí đầy đủ vốn đối ứng địa phương theo cam kết với các nhà tài trợ.

Tin cùng chuyên mục