Sửa đổi, bổ sung một số thông tư hướng dẫn hoạt động đấu thầu: Tạo thuận lợi hơn cho nhà thầu, nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trong đó, nhiều nội dung hướng dẫn hoạt động đấu thầu như cho phép nhà thầu được sử dụng bảo lãnh dự thầu điện tử; giảm chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hàng năm được nhiều nhà thầu đánh giá cao.
Dự thảo Thông tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện sẽ sửa đổi một số quy định nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các nhà thầu, nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Thông tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện sẽ sửa đổi một số quy định nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các nhà thầu, nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này sẽ thực hiện sửa đổi một số quy định của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Thông tư số 06/2021/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí về đăng ký, đăng tải thông tin, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.

Bên cạnh đó, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có quy định cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng thông qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (hoạt động bảo lãnh điện tử). Việc áp dụng hoạt động bảo lãnh điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ bảo mật thông tin của nhà thầu tham dự thầu, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện thu hồi bảo lãnh dự thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu. Do vậy, sẽ sửa đổi Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT theo hướng cho phép nhà thầu được sử dụng bảo lãnh dự thầu điện tử (ngoài bảo lãnh dự thầu bản giấy như trước đây).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng An Phát Hưng Yên cho biết, việc bổ sung quy định áp dụng bảo lãnh dự thầu điện tử vừa tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho nhà thầu và ngân hàng, vừa bảo đảm được tính trung thực cho bảo lãnh dự thầu (trên thực tế cũng đã xảy ra trường hợp nhà thầu làm giả bảo lãnh dự thầu của ngân hàng). Hơn nữa, với cơ chế điện tử, bảo lãnh dự thầu điện tử sẽ được bảo mật cao hơn, khi nhà thầu không trúng thầu thì việc giải tỏa bảo lãnh dự thầu cũng sẽ nhanh hơn.

Theo Điều 2 Dự thảo Thông tư sửa đổi, chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là 330.000 đồng/năm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Hiện nay, mức chi phí này theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BKHĐT là 550.000 đồng/năm.

Ban soạn thảo cho biết, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT có quy định về chi phí trúng thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư nên Dự thảo Thông tư sửa đổi đã giảm chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi và giảm gánh nặng tài chính cho nhà thầu, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Điều 1 của Dự thảo Thông tư sửa đổi cũng quy định chứng thư số sử dụng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ https://muasamcong.mpi.gov.vn là chứng thư số công cộng do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp, hoặc chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cấp.

Theo Ban soạn thảo, tại thời điểm ban hành Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới được thiết kế sử dụng chứng thư số dưới dạng USB Token (ngoài chức năng xác thực thông qua chữ ký số còn sử dụng cặp khóa RSA lưu trong thiết bị chữ ký số để mã hóa, giải mã E-HSDT...), nhằm bảo mật thông tin của nhà thầu, nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay chứng thư số chuyên dùng do Ban cơ yếu Chính phủ cấp đã được sử dụng để thực hiện giao dịch điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất với Nghị định số 130/2018/NĐ-CP và các cơ quan Đảng, Nhà nước không phải đăng ký sử dụng nhiều loại chứng thư số, tiết kiệm chi phí, cần sửa đổi Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT để bổ sung quy định về việc sử dụng chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, thời gian qua, nhờ đấu thầu qua mạng mà quá trình lựa chọn nhà thầu đã giảm nhiều thủ tục hành chính, nhiều thao tác cũng đơn giản hơn so với đấu thầu truyền thống. Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu và có thêm các quy định mới như cho phép nhà thầu áp dụng bảo lãnh dự thầu điện tử sẽ tạo thuận lợi để nhà thầu lựa chọn phương thức bảo đảm dự thầu phù hợp hơn với mình. Mặt khác, việc giảm bớt chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thêm chi phí cho công tác đấu thầu, nhất là với các nhà thầu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Tin cùng chuyên mục