Sửa Luật Đường sắt và những cơ hội đầu tư mới

Các nhà đầu tư sẽ có thêm cơ hội tham gia đầu tư và kinh doanh đường sắt trong tương lai...
Đường sắt Việt Nam vẫn ì ạch và hiện gần như chưa có một dự án xã hội hóa nào triển khai thành công. Hệ thống đường sắt cũ kỹ, khổ đường hẹp, hiệu quả khai thác hạn chế.
Đường sắt Việt Nam vẫn ì ạch và hiện gần như chưa có một dự án xã hội hóa nào triển khai thành công. Hệ thống đường sắt cũ kỹ, khổ đường hẹp, hiệu quả khai thác hạn chế.

Bên cạnh việc tái cơ cấu tổ chức, ngành đường sắt Việt Nam đang chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) với nhiều điểm mới, được đánh giá mang tính đột phá.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là các nhà đầu tư sẽ có thêm cơ hội tham gia đầu tư và kinh doanh đường sắt trong tương lai.

Cánh cửa chưa mở


Vài năm trở lại đây, diện mạo đường sắt Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, sự chuyển biến còn chậm.

Hiện đường sắt Việt Nam vẫn đang phải lấy lợi nhuận vận tải hành khách bù cho vận tải hàng hóa. Trong khi, quy luật đường sắt trên thế giới là lấy lãi từ vận chuyển hàng hóa bù cho vận chuyển hành khách.

Đường sắt Việt Nam vẫn ì ạch và hiện gần như chưa có một dự án xã hội hóa nào triển khai thành công. Hệ thống đường sắt cũ kỹ, khổ đường hẹp, hiệu quả khai thác hạn chế.

Tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và Tp.HCM, hệ thống đường sắt nội đô và tàu điện ngầm gần như chưa có, một số dự án mới đang trong giai đoạn bắt đầu…

Bên cạnh đó, Luật Đường sắt 2005 vẫn còn tồn tại nhiều bất hợp lý, như chưa tách bạch giữa quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến giảm hiệu lực quản lý, giảm hiệu quả kinh doanh; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho đường sắt...

Những hạn chế trong Luật Đường sắt 2005 đã tạo ra rào cản về cơ chế mở để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho đường sắt.

Bởi vậy, nhiều người hy vọng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ tạo mở cánh cửa vào ngành đường sắt rộng hơn cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, thúc đẩy đường sắt phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ với các lĩnh vực vận tải khác.

Hàng loạt ưu đãi

Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của mình để tạo lợi nhuận. Đây là nội dung chủ đạo trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), nhằm tách bạch vai trò của các chủ thể trong lĩnh vực này.

Thay đổi này được đánh giá sẽ tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt dưới sự giám sát của Nhà nước.

Đồng thời, các cơ chế, chính sách mở rộng ưu đãi đầu tư sẽ tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện có, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị không còn khó khăn.

Dự thảo cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được hưởng các ưu đãi sau đây:

- Được giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đường sắt được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Được thuê đất với mức ưu đãi đối với đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt;

- Hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng tuyến đường;

- Được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được;

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt được hưởng ưu đãi tín dụng như sau:

- Được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi nhất từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước;

- Được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay;

- Chính phủ xem xét việc góp vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công tư trong thời gian xây dựng hoặc kéo dài suốt vòng đời dự án để đảm bảo tính khả thi về tài chính, tính kinh tế và khả năng cân đối ngân sách cho dự án.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân đầu tư, góp vốn xây dựng cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa.

Dự thảo cũng nêu rõ, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và thực hiện chức năng chủ sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị và thực hiện chức năng chủ sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư; cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt ở Trung ương và địa phương giúp Bộ Giao thông Vận tải, UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quản lý sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng.