Sửa Luật Ngân sách nhà nước: Tạo sự chủ động cho địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) với định hướng đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN), tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý NSNN.
Quy định về phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Ảnh: Tiên Giang
Quy định về phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Ảnh: Tiên Giang

Ban soạn thảo cho biết, qua hơn 8 năm thực hiện (2017 - 2025), Luật NSNN đã đi vào cuộc sống, quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng NSNN, củng cố kỷ luật tài chính, tăng tích lũy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu ngân sách, quy định về phân cấp một số khoản thu giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) chưa phù hợp với yêu cầu thực tế.

Đơn cử, theo quy định hiện hành, hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ được ban hành mức thu đối với một số khoản phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Do vậy, không khuyến khích các địa phương có điều kiện có thể mở rộng cơ sở thu, điều chỉnh mức thu để điều tiết hợp lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn và tăng thu cho NSNN. Quốc hội đã thông qua một số nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, trong đó quy định thẩm quyền cho địa phương được đề xuất tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (đối với TP.HCM), quyết định danh mục và mức thu một số khoản phí, lệ phí (đối với TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...).

Cũng theo quy định hiện hành, thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân ở địa phương dẫn đến quy trình tổng hợp, thẩm định và thông qua mất nhiều thủ tục, thời gian (vì phải chờ để cấp thẩm quyền thông qua tại kỳ họp), dẫn đến chậm phát huy hiệu quả nguồn lực của NSNN.

Từ thực tế đó, một số nội dung đáng chú ý được sửa đổi tại Dự thảo Luật là nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về NSNN; nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp.

Về nhiệm vụ, Dự thảo bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi bội chi NSNN, mức vay nợ cho NSNN đã được Quốc hội quyết định, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật NSNN hiện hành.

Dự thảo cũng bổ sung quyền hạn của hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc "ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định".

Theo quy định hiện hành, chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành và bổ sung, sửa đổi các loại thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phép ban hành mức thu phí, lệ phí trong danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các loại phí, lệ phí báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trong quá trình thực hiện Luật NSNN, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô và các nghị quyết cho phép một số địa phương thí điểm thực hiện ban hành thêm một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục Luật Phí và lệ phí đã quy định.

Việc thí điểm cho phép một số địa phương được mở rộng ban hành thêm một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục là do trên địa bàn các địa phương (đặc biệt là các đô thị lớn) có một số loại phí, lệ phí chưa được quy định như phí đỗ xe ô tô, phí tham gia lưu thông vào khu vực trung tâm đối với các loại phương tiện cơ giới cá nhân, phí thuê vỉa hè, phạt vi phạm hành chính trên địa bàn... Đề xuất trao thêm thẩm quyền cho các địa phương được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí sẽ tạo điều kiện tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn.

Về phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, đối với nhóm các khoản thu NSTW và NSĐP hưởng 100%, Dự thảo cơ bản giữ như quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung điều chỉnh thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu (Luật hiện hành NSTW hưởng 100%), thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (Luật hiện hành NSĐP hưởng 100%) sẽ thực hiện phân chia giữa NSTW và NSĐP. Tỷ lệ phân chia các khoản thu này sẽ được Bộ Tài chính xác định lại theo đơn vị hành chính cấp tỉnh Quốc hội quyết định, bảo đảm mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ nguồn lực và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng đối với thuế giá trị gia tăng, sau khi hoàn thuế, thực hiện phân chia NSTW 70%, NSĐP 30%, việc phân chia cho từng địa phương được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hàng năm.

Trong tổ chức thực hiện, trường hợp NSTW giảm vai trò chủ đạo hoặc có biến động lớn về thu, chi NSNN giữa các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản nêu trên cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục