Đa dạng hóa kênh dẫn vốn cho phát triển hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì, nhiều ý kiến khẳng định Việt Nam đã và đang đúng hướng khi ưu tiên đa dạng hóa kênh huy động vốn cho phát triển hạ tầng. Điều này tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.
Việc phát triển các quỹ đầu tư để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 và giai đoạn 2026 – 2030. Ảnh: Lê Tiên
Việc phát triển các quỹ đầu tư để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 và giai đoạn 2026 – 2030. Ảnh: Lê Tiên

Huy động nhiều nguồn vốn là lựa chọn tối ưu

Theo bà Chen Ding, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ CSOP tại Hong Kong, Trung Quốc đang được xem là quốc gia có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển tốt nhất hiện nay. Thu hút vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng tại Trung Quốc thông qua các quỹ đã được ưu tiên từ năm 2003. Hiện nay, Trung Quốc có các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng như: Quỹ đầu tư bất động sản (REIT), Quỹ PE hạ tầng, Quỹ đầu tư quốc gia (SWF), Quỹ hưu trí, Quỹ Cơ sở hạ tầng Xanh. Đặc biệt, các công trình hạ tầng có sự hỗ trợ của Chính phủ bên cạnh các nguồn vốn đầu tư đa dạng khác. Năm 2014, Quốc vụ viện Trung Quốc đề xuất thành lập Quỹ phát triển đường sắt quốc gia, đánh dấu bước tiến trong cải cách đầu tư và tài chính đường sắt. Dòng vốn đầu tư xã hội đa kênh đổ vào đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ thống đường sắt Trung Quốc và góp phần ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc có nhiều chính sách để thu hút dòng vốn nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư xuyên biên giới. Các nhà đầu tư có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua Hồng Kông.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital chia sẻ, với kinh nghiệm hoạt động ở Việt Nam 20 năm, quản lý gần 4 tỷ USD, làm việc với các ngân hàng lớn trên thế giới, có thể thấy sự tham gia của khu vực tư thông qua các quỹ đầu tư để phát triển hạ tầng rất hiệu quả. Sự phát triển của khu vực tư nhân, hoạt động của các quỹ đầu tư rất quan trọng để quản lý các dòng vốn dài hạn, đóng góp vào sự phát triển và giúp Việt Nam tăng trưởng 2 con số.

Ông Jeong Ji-Hoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, hơn 10 năm trước, Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tạo nên đột phá cho phát triển vùng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá việc đưa dự án này vào hoạt động đã giúp họ giảm chi phí, tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Đây là điển hình về hiệu quả của nguồn vốn khu vực tư tham gia cùng Chính phủ phát triển hạ tầng cần nhân rộng. Và thực sự, từ năm 2020 đến nay, hạ tầng giao thông của Việt Nam đã bước sang trang mới, hiện đại, dần đáp ứng các yêu cầu phát triển cùng với sự tham gia của khu vực tư ngày càng sâu rộng hơn.

Theo các chuyên gia quốc tế, yếu tố thiết yếu góp phần vào thành công của quỹ đầu tư gồm: khung pháp lý vững chắc, sự ổn định và liên tục của chính sách, hướng dẫn quản lý minh bạch.

Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được coi là điển hình về hiệu quả của nguồn vốn tư nhân tham gia cùng Chính phủ phát triển hạ tầng và đã tạo nên đột phá cho phát triển vùng. Ảnh: Lê Tiên

Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được coi là điển hình về hiệu quả của nguồn vốn tư nhân tham gia cùng Chính phủ phát triển hạ tầng và đã tạo nên đột phá cho phát triển vùng. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thiện khung chính sách đa dạng hóa kênh dẫn vốn

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Tài chính, thời gian qua, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng và đạt được nhiều thành tựu như đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2024, hạ tầng chiến lược của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường thủy. Để có thành tựu này, Bộ Tài chính có vai trò rất lớn trong việc huy động đa kênh nguồn lực. Bên cạnh đầu tư công, đầu tư theo kênh PPP cũng rất thành công. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng năng lượng tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, sự hiện diện của các quỹ đầu tư quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp hàng đầu cho thấy, Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn đầu tư vẫn còn những khó khăn nhất định, cần khắc phục. Theo đó, thị trường vốn và thị trường chứng khoán cần đa dạng sản phẩm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, Đảng, Chính phủ đặt ra nhiều chính sách đột phá, đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng, năng lượng. Bên cạnh vốn đầu tư trực tiếp, cần phát triển các quỹ đầu tư để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng.

“Trong thời gian tới, với chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ tập trung các giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất dịch vụ công, nâng cao cạnh tranh, bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ được đặt lên hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho biết, Bộ Tài chính đang chủ trì việc sửa đổi tổng thể Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân; sửa đổi 7 luật gồm: Luật Đấu thầu, Luật đầu tư, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu để khơi thông nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. Đồng thời, yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc phát triển hạ tầng thông qua các quỹ đầu tư. Đẩy mạnh hợp tác công tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, mô hình quản trị tốt tham gia vào các dự án hạ tầng, năng lượng.

Ông Don Lam Tổng giám đốc Vina Capital:

Quy mô ngành quản lý quỹ của Việt Nam còn khiêm tốn và mức độ thâm nhập quỹ thấp. Với thị trường cổ phiếu, các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chỉ chiếm 3,5%, còn lại là dịch vụ đầu tư, nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư cá nhân. Tương tự, thị trường trái phiếu cũng chiếm hơn 83% là ngân hàng, bảo hiểm xã hội và nhà đầu tư cá nhân. Các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chỉ chiếm 16,68%.

Để phục vụ nhu cầu phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có Quỹ Đầu tư quốc gia, Quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng, Quỹ Đầu tư bất động sản, Quỹ ETF chiến lược, Quỹ Phát triển xanh.

Tin cùng chuyên mục