![]() |
Ngân hàng TMCP Bắc Á vừa thông qua nghị quyết chào bán hơn 95,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ảnh: NC st |
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) vừa thông qua nghị quyết chào bán hơn 95,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Nếu thành công, vốn điều lệ của Bac A Bank sẽ tăng từ 9.580,2 tỷ đồng lên 10.538,2 tỷ đồng. Trước đó, Bac A Bank đã hoàn tất việc phát hành 62,1 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2023, nâng vốn điều lệ lên 9.580,2 tỷ đồng.
Với số vốn huy động hơn 958 tỷ đồng, Bac A Bank dự kiến sử dụng 458 tỷ đồng để đầu tư vào giấy tờ có giá (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi...) và 500 tỷ đồng để mở rộng hoạt động cho vay, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, bán buôn, bán lẻ và thủy sản.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) đang chuẩn bị cho đợt chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, kỳ vọng thu về 800 tỷ đồng. Động thái này sẽ nâng vốn điều lệ của PGBank từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Theo PGBank, mục đích của đợt chào bán cổ phiếu là bổ sung nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo chuẩn nhận diện thương hiệu (65 tỷ đồng), nâng cấp phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin và thực hiện các dự án chuyển đổi ngân hàng (230 tỷ đồng). Khoản vốn còn lại (500 tỷ đồng) sẽ được PGBank sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động, tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, đồng thời cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) dự kiến trình phương án chào bán riêng lẻ 700 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Mục tiêu của việc chào bán này là mở rộng hoạt động ngân hàng, bổ sung vốn kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của NCB.
Ban lãnh đạo NCB nhấn mạnh, việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp NCB mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống chịu rủi ro thị trường, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thành công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2023 - 2025 cũng như định hướng phát triển đến năm 2030.
Không chỉ các tổ chức tín dụng tư nhân, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng đang tích cực triển khai chào bán cổ phần mới để huy động vốn. Cuối tháng 2/2025, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã hoàn thành việc chào bán hơn 123,846 triệu cổ phiếu cho các quỹ đầu tư với mức giá 38.800 đồng/cổ phiếu, thu về gần 4.752 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được sử dụng cho hoạt động tín dụng, tập trung vào việc cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có dự án kinh doanh khả thi, ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và tín dụng bán lẻ.
Năm 2024, Vietcombank từng cho biết, Ngân hàng đang phối hợp chặt chẽ với các tư vấn quốc tế để triển khai phát hành cổ phiếu riêng lẻ và kỳ vọng có thể hoàn thành trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường diễn biến thuận lợi. Việc triển khai phương án phát hành riêng lẻ sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Vietcombank trong thời gian tới, nhằm nâng cao năng lực tài chính và đáp ứng các tiêu chuẩn Basel III.
Theo ông Ivan Tan, Giám đốc Xếp hạng Khối định chế tài chính tại S&P Global Ratings, hệ thống ngân hàng Việt Nam dự kiến vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 12 - 15% trong trung hạn (3 - 5 năm tới). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để phân bổ tăng trưởng tín dụng một cách có hiệu quả dựa trên cơ sở khung quản trị rủi ro và khả năng tăng bộ đệm vốn cho ngành ngân hàng, hiện có chỉ số an toàn vốn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực, trong khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng lại cao hơn đáng kể.
Về vấn đề ngành ngân hàng Việt Nam có bộ đệm vốn mỏng, ông Ivan Tan đánh giá, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để đảm bảo nguồn vốn nội bộ đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng. Triển vọng chung của hệ thống ngân hàng là ổn định, song sẽ tồn tại sự phân hóa rõ rệt. Các ngân hàng thương mại cổ phần lớn và ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về lợi nhuận và sức mạnh tài chính, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn sẽ đối mặt với thách thức về vốn và chất lượng tài sản.