TP.HCM là hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Đông Giang |
Tăng trưởng cao, dồn lực đầu tư hạ tầng
Bước qua cao điểm đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức chưa từng thấy, năm 2022 kinh tế vùng Đông Nam Bộ phục hồi nhanh chóng, giữ vững vị trí chiến lược “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của TP.HCM và 5 địa phương trong vùng cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất cao. Cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,97%, kế đến là Tây Ninh 9,56%, Đồng Nai 9,22%, Bình Phước 9,1%, TP.HCM 9,03% và Bình Dương đạt 8,01%. Các chỉ tiêu kinh tế lớn đều phục hồi tích cực và có mức tăng rõ nét so với năm trước, góp phần quan trọng cho tăng trưởng chung cả nước. Dù còn đó những nỗi lo âu, nhưng trên khuôn mặt người dân đã rạng ngời niềm vui khi đời sống vơi bớt khó khăn sau đại dịch.
Một điểm sáng đáng chú ý là hàng loạt dự án giao thông kết nối liên vùng đặc biệt quan trọng bắt đầu được triển khai xây dựng. Trong 4 năm tới đây, khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được rót vào hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ với các dự án sân bay quốc tế, đường cao tốc, đường vành đai... Cuối năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã khởi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là nhà ga hiện đại, mang tầm quốc tế với mức đầu tư 40 nghìn tỷ đồng, mang theo nhiều hy vọng tiếp thêm sức xuân, tạo động lực cho sự đột phá kinh tế. Dịp này, chính quyền TP.HCM và 4 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hối hả triển khai các dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là các tuyến giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng, giúp kết nối tốt hơn các khu công nghiệp vùng lõi tới cảng biển TP.HCM và mở toang không gian phát triển liên vùng, khai phóng nguồn lực, tạo thêm sức xuân giúp Đông Nam Bộ bật chồi, vươn dậy.
Bên cạnh những tuyến cao tốc mới hoàn thành, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đang được nghiên cứu đầu tư như TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa… Những dự án này sẽ giúp các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quy hoạch, quản lý đầu tư để tạo không gian kinh tế thống nhất.
Xuân mới, tư duy, cách làm mới
Nghị quyết số 24-NQ/TW xác định Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ… TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới…
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo đột phá, lan tỏa; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị.
Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình thực hiện phải chú ý 3 điểm mới là tư duy mới, đột phá mới và giá trị mới. Theo đó, "tư duy mới" là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài… Phải có “đột phá mới" trong cách thức, phương thức huy động nguồn lực. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực. Còn “giá trị mới" là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn. Giá trị mới lớn nhất của vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Khí thế hành động mới
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương Đông Nam Bộ và bộ, ngành để giải quyết hiệu quả những điểm nghẽn trong phát triển vùng. Trước mắt, TP.HCM sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi mô hình phát triển trong bối cảnh mới, gắn kết với phát triển vùng. Theo đó, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao, phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo… Hiện thực hóa tầm nhìn về vị trí của TP.HCM trong Vùng, đóng vai trò là cực tăng trưởng, một đô thị hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo…
Năm 2023, nhiệm vụ ưu tiên là lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn 2050 để làm công cụ điều phối quan trọng trong quá trình phát triển Vùng. Ngoài ra, theo ông Mãi, TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực phát triển, tiếp tục kiến nghị xin thí điểm mở rộng cơ chế phân quyền trong một số lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách. Thành phố cũng làm tốt vai trò đầu mối phối hợp triển khai các dự án Vành đai 3, Vành đai 4.
Bên cạnh TP.HCM với quyết tâm lớn, bước vào năm 2023, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao và toàn diện. Trong đó, Đồng Nai tập trung xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế, trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bình Dương ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với hành lang Vành đai 3, 4 và các tuyến cao tốc. Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung đầu tư hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ và phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, với đặc thù của mình, Bình Phước đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, sinh thái, bền vững. Còn Tây Ninh sẽ tập trung phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
Ngày đầu xuân mới, chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo các địa phương bày tỏ sự tin tưởng, hứng khởi rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và người dân, Đông Nam Bộ sẽ biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển đột phá, khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.