Sức ép thật sự đã đến với ngành dầu khí

Việc giá dầu sụt giảm mạnh trong hai năm trở lại đây đã khiến những điểm yếu của ngành dầu khí lộ ra. Có lẽ trong lịch sử hình thành và phát triển mấy chục năm qua, chưa bao giờ ngành dầu khí lại khó khăn như hiện tại và họ đang phải xoay sở.
Chưa bao giờ người ta thấy ngành dầu khí đồng loạt gây sức ép với Chính phủ về việc giảm thuế, tăng cơ chế ưu đãi để cứu ngành này như những ngày qua. Ảnh: T.L
Chưa bao giờ người ta thấy ngành dầu khí đồng loạt gây sức ép với Chính phủ về việc giảm thuế, tăng cơ chế ưu đãi để cứu ngành này như những ngày qua. Ảnh: T.L

Khi lợi nhuận không còn lớn như trước

Việc gửi đơn “kêu cứu” đề nghị giảm thuế của Công ty THHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý và khai thác Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chỉ là một trong số những tiếng kêu của các doanh nghiệp ngành dầu khí liên tiếp đến công luận trong thời gian gần đây.

Chưa bao giờ người ta thấy ngành dầu khí đồng loạt gây sức ép với Chính phủ về việc giảm thuế, tăng cơ chế ưu đãi để cứu ngành này như những ngày qua. Từ trước đến nay, hình ảnh của PVN trong các cuộc họp Chính phủ, với các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế khác là ở “chiếu trên”, hình ảnh một đơn vị có nguồn thu ngân sách lớn nhất nước, ăn nên làm ra và dường như những khó khăn của kinh tế thị trường hàng chục năm qua không sờ tới.

Hai năm qua, khi giá dầu lao dốc, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, Công ty mẹ PVN vẫn đạt tổng lợi nhuận sau thuế 21,4 ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách tính ra GDP tương đương khoảng 6%. Các chỉ tiêu tài chính khác tuy không cao như trước nhưng vẫn vượt kế hoạch. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân vẫn đạt 6,4%.

Năm 2015, trong năm lĩnh vực kinh doanh chính của PVN như thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, sản xuất, kinh doanh điện, gas… lợi nhuận vẫn là những con số đáng kể.

Như Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), doanh thu năm 2015 chỉ bằng 101% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 3.100 tỉ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với năm trước. Hay như PV Gas, so với năm 2014, lợi nhuận của công ty mẹ giảm 38,4% nhưng so với kế hoạch điều chỉnh của năm 2015, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của doanh nghiệp đều vượt kế hoạch, với mức lợi nhuận hợp nhất đạt 8.500 tỉ đồng.

Như vậy, dù các ngành sản xuất kinh doanh trong cùng một tập đoàn Dầu khí có liên hệ mật thiết với nhau, ngành này là đầu vào hay đầu ra của ngành kia thì thuận lợi, khó khăn là không giống nhau. Các doanh nghiệp sản xuất điện, khí, ga vẫn làm ăn thuận lợi nhờ đầu ra tăng trưởng tốt. Còn các doanh nghiệp khai thác, chế biến dầu và dịch vụ dầu khí có gặp khó khăn, lợi nhuận giảm mạnh so với trước nhưng nếu so sánh với các ngành kinh tế khác vốn đã khó khăn từ nhiều năm qua thì số doanh nghiệp này vẫn còn nguồn lợi nhuận để tái đầu tư cho những năm tiếp theo, chưa đến mức thua lỗ nặng.

Hỗ trợ, tái cơ cấu phải đúng địa chỉ

Tất nhiên số lợi nhuận tích tụ để tái đầu tư nay không còn lớn như trước và chính các doanh nghiệp trong ngành cũng không thể “phóng tay” thuê dịch vụ, mở hầu bao cho doanh nghiệp nội bộ tập đoàn như trước. Tính cạnh tranh ngay chính trong các doanh nghiệp dầu khí đã bắt đầu mang tính thương trường hơn.

Như Tổng công ty Khoan và dịch vụ dầu khí (PVD) đang có ba giàn khoan chủ lực nằm bất động ngoài khơi vì giá giảm, không người thuê. Còn Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) Ngô Hữu Hải xem đây là cơ hội để đẩy mạnh công tác thăm dò khi giá dịch vụ giảm (từ 140 ngàn đô la/ngày xuống còn 70 ngàn đô la/ngày).

Việc thăm dò các mỏ dầu không nên dừng trong thời điểm giá dầu giảm và chính là ngành duy nhất có thể nên được Nhà nước hỗ trợ trong thời điểm hiện nay vì chi phí để đưa một mỏ dầu vào hoạt động, khai thác, gia tăng trữ lượng luôn cần thiết trong mọi thời điểm nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro. Như ông Hải nói là trong thăm dò, việc khoan chỉ có giá trị thành công khoảng 40%. Từ khoan thành công chuyển sang thương mại chỉ đạt chưa đầy 30%. Trong khi đó, chi phí dịch vụ dàn khoan, dịch vụ FSO lên đến 75% .

Còn ông Hoàng Trung Hải, tại thời điểm tháng 1-2016, khi còn là Phó Thủ tướng, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, bộ ngành cũng đề nghị tính đến cân đối ngân sách cho ngành dầu khí ở khâu thăm dò. Nay, giá dịch vụ giảm là cơ hội trời cho, chưa cần đợi nhà nước hỗ trợ, các công ty thăm dò cũng được có điều kiên thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa cũng cho rằng, trong nguy có cơ. Các đơn vị trong ngành dầu khí đều kêu giá dịch vụ nội ngành quá cao, trong khi các đơn vị dịch vụ lại đề xuất được chỉ định thầu, miễn đấu thầu tại các dự án. Ông Nghĩa đề nghị vẫn đấu thầu rộng rãi, lấy giá của đơn vị thấp nhất để yêu cầu các đơn vị trong ngành giảm giá theo vẫn đảm bảo lợi nhuận.

Nói tóm lại, khó khăn và sức ép về hiệu quả kinh doanh đã làm các doanh nghiệp dầu khí nhìn ra những bất cập, tồn tại trong ngành mình. Đó là năng lực cạnh tranh còn thấp, đặc biệt là các đơn vị dịch vụ như đã nói ở trên. PVN cũng từng thừa nhận mới đây là chưa có đề án đánh giá chính  thức lợi thế kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các đơn vị thành viên, trong đó có năng lực cạnh tranh so với các đơn vị cùng ngành, nghề trong nước và quốc tế để từ đó có biện pháp thích hợp với từng doanh nghiệp.

Trên một bức tranh toàn cảnh như vậy, các doanh nghiệp dầu khí đồng loạt đòi Nhà nước áp dụng các chính sách miễn giảm, hỗ trợ thuế, yêu cầu gia tăng lợi nhuận để lại (trong khi Nhà nước hàng năm để lại từ 25% đến 32% lợi nhuận của nước chủ nhà được chia trong liên doanh Vietsovpetro cho ngành dầu khí) sẽ là những yêu cầu về đặc quyền khó có thể được đáp ứng.