Tăng trưởng tín dụng 7,33% trong nửa đầu năm 2019

(BĐT) - Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương, ngày 4/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tính đến cuối tháng 6, tín dụng tăng 7,33%, xấp xỉ năm ngoái; cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo hay xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt và điều chỉnh kịp thời. Ảnh: Internet
NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt và điều chỉnh kịp thời. Ảnh: Internet

Về hoạt động ngân hàng, trong đó chủ yếu là điều hành lãi suất, Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thực hiện một cách rất quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

“Việc thực hiện giảm lãi suất cho vay không chỉ với khoản tín dụng cấp mới mà cả với khoản dư nợ tín dụng trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Điều này giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và là neo để giữ được ổn định lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định và lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên được giảm ngay từ đầu năm", Thống đốc phân tích.

Về định hướng điều hành 6 tháng cuối năm, người đứng đầu NHNN nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt và điều chỉnh kịp thời, cung ứng vốn đầy đủ nhưng vẫn ổn định vĩ mô, đi kèm với chất lượng tín dụng, đưa dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các phân khúc có khả năng phát sinh rủi ro.

Trước ý kiến của một số lãnh đạo địa phương liên quan đến hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát sinh thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, Thống đốc cho biết, vừa qua NHNN đã chủ động phối hợp với các địa phương để xử lý.

Chẳng hạn, NHNN đã phối hợp với tỉnh Gia Lai đánh giá tác động diễn biến tiêu cực của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động trồng tiêu; các địa phương đã cùng với ngành ngân hàng đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con trồng tiêu ở địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Với ngành chăn nuôi, hiện nay dư nợ cho lĩnh vực chăn nuôi lợn khoảng trên 51.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng bị tác động thiệt hại trong đợt dịch bệnh vừa qua khoảng 1.200 tỷ đồng. NHNN đã chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình cơ cấu lại nợ và cho vay mới để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

NHNN sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có các giải pháp xử lý tiếp theo, đồng thời rà soát lại các tác động của dịch tả lợn. Về tín dụng với lúa gạo, sau chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã giải ngân trên 17.000 tỷ đồng cho vay vụ đông xuân và đảm bảo giá lúa phù hợp hỗ trợ bà con…

“Ngành ngân hàng sẽ có các hoạt động cần thiết, kịp thời hỗ trợ kinh tế các địa phương để phát triển một cách bền vững, cũng như đảm bảo các cân đối vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục