Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bắt đầu từ đâu?

(BĐT) - Việc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa phải đảm bảo mục tiêu kinh doanh lại vừa được coi là công cụ ổn định vĩ mô là trở ngại cho việc đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của họ. 
Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua chưa được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua chưa được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Lê Tiên

Bên cạnh đó, cơ chế giám sát với khối DN này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Đây là những điểm cần thay đổi và cải thiện để tăng hiệu quả hoạt động của khối DN này trong thời gian tới. 

Xem lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN là một trong những nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bàn về nội dung này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, quá trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều trở ngại với điểm đáng chú ý nhất là cách xác định vai trò của DNNN.

“Về nguyên lý kinh tế học, không nên xem DNNN là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi việc giao nhiệm vụ như vậy có thể làm hại DN và làm méo mó thị trường. Thế nhưng, bao năm qua, chúng ta vẫn duy trì quan điểm này. Đã đến lúc cần thay đổi và cần thay đổi ngay”, ông Cung nói.

Đồng quan điểm về điều này, TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô. Chỉ sử dụng DNNN như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô, và phải minh bạch hóa và thể chế hóa vai trò này của DNNN.

Cùng xem xét vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trước hết phải trả lời được câu hỏi “Nhà nước muốn gì ở DNNN, muốn họ làm kinh tế có hiệu quả hay làm nhiệm vụ công ích?”.

“Phải bóc tách rạch ròi các chức năng này thì mới tính được cụ thể hiệu quả hoạt động của DNNN. Nếu buộc DNNN vừa làm nhiệm vụ chính trị lại vừa đảm bảo mục tiêu hiệu quả kinh doanh như các DN khác là rất khó. Đây cũng là điểm khiến nhiều lãnh đạo DN không có động lực làm việc hết mình và cũng không muốn đẩy nhanh tái cơ cấu”, ông Lực nói.

Liên quan đến yếu tố động lực nói trên, TS. Trần Tiến Cường nhận xét: “Đúng là có sự trì trệ, thiếu động lực, sức ép có hiệu lực đối với tái cơ cấu tại DNNN. Do vậy, các DN này chưa áp dụng các thông lệ của quản trị DN hiện đại, ảnh hưởng đến sự nhanh nhạy, năng động, linh hoạt, minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy quản lý trước chủ sở hữu và các bên có liên quan”.

Do đó, ông Cường đề xuất, cần tạo sức ép trách nhiệm và động lực cao hơn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động, trước hết của cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN. 

Đặc biệt quan tâm hiệu quả giám sát

Bên cạnh việc phân công nhiệm vụ chưa hợp lý như trên, hoạt động của các DNNN trong thời gian qua chưa được giám sát chặt chẽ. Nghiên cứu về hoạt động của khối DN này trong nhiều năm qua, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc CIEM - cho biết, hiện không cơ quan nào có thể nhanh chóng biết được chính xác hiệu quả, giá trị sổ sách, giá thị trường của khu vực DNNN, từng DN cũng như dòng vốn nhà nước đang vận hành trong nền kinh tế. Đây cũng là rào cản để thị trường giám sát và đánh giá DNNN. Mặt khác, do thiếu công cụ thông tin hiện đại nên chức năng cảnh báo hầu như không thực hiện được.

Đồng tình với ý kiến đó, ông Trần Tiến Cường kiến nghị, cần đặc biệt tăng cường việc giám sát, kiểm soát của chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước. Tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo các vấn đề của DNNN.

Mặt khác, nên nhanh chóng thiết lập các công cụ phù hợp như hệ thống thông tin, dữ liệu về DNNN, các tiêu chí, tiêu chuẩn giám sát, đánh giá, chế tài phục vụ cho quản lý. Đảm bảo tính pháp chế, tính kỷ luật trong quản lý của chủ sở hữu Nhà nước.

Cần tăng cường nỗ lực thiết lập bộ máy quản lý, giám sát của chủ sở hữu có năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiểu biết và nắm vững lĩnh vực giám sát, tạo động lực cho cán bộ của bộ máy.

Cũng theo vị chuyên gia này, DNNN và chủ sở hữu DNNN có đặc điểm khác với DN tư nhân. Do đó, không thể giao toàn quyền tự chủ cho DNNN với cấu trúc bộ máy quản trị từ cấp hội đồng quản trị trở xuống như DN khu vực tư nhân. Khi giao quyền tự chủ cho DNNN, cần có cơ chế và công cụ giám sát hiệu quả từ chủ sở hữu.

“Cần đặc biệt quan tâm đến điều này khi hệ thống pháp luật, thể chế chưa hoàn thiện, tính pháp chế chưa cao, chưa bảo đảm như ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, đã có hệ thống pháp luật hoàn thiện”, ông Cường nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục