Tầm nhìn phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tổ chức các đoàn khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia trong nước và quốc tế để từng bước hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Mặc dù vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau của các bộ, ngành, giới chuyên môn về vấn đề này nhưng tất cả đều thống nhất, đầu tư đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn, phấn đấu năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là "trục xương sống" trên hành lang Bắc - Nam, là động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới
Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là "trục xương sống" trên hành lang Bắc - Nam, là động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của đường sắt Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, đường sắt đang mất dần vai trò khi thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác; hạ tầng đường sắt đã lạc hậu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu.

Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, hệ thống đường sắt của Việt Nam đang “lỡ hẹn” với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa trong phát triển đường sắt tốc độ cao. Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Phát triển hệ thống đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đồng đều giữa đường bộ, hàng không, đường thủy và đường sắt, tăng tính kết nối hiệu quả giữa các vùng, giảm chi phí logistics, góp phần phát triển kinh tế.

Các chuyên gia đều thống nhất cần thiết đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc - Nam, nhưng cũng lưu ý phải làm rõ, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao là phát triển đường sắt khai thác chung hành khách và hàng hóa hoặc riêng hành khách; quy mô, tốc độ; khả năng huy động nguồn lực, làm chủ công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá của công nghiệp đường sắt… Quá trình triển khai cần có cơ chế, chính sách đặc thù gì để rút ngắn tiến độ và thực hiện thành công dự án?

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, đầu tư đường sắt trên trục Bắc - Nam là dự án có tính chất phức tạp, có quy mô rất lớn cả về vốn đầu tư và công nghệ áp dụng triển khai. Dự án có tác động sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn công tác, khảo sát ở một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như: Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức để tìm hiểu về điều kiện đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư; lựa chọn công nghệ, kỹ thuật; phương án khai thác; mô hình đầu tư; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực; mô hình quản lý… Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng Thẩm định Nhà nước cũng như thông tin phản hồi của xã hội và người dân, Bộ GTVT đã nghiên cứu và tiếp thu một cách nghiêm túc, công phu và kỹ lưỡng để tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Phát triển hệ thống đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đồng đều giữa đường bộ, hàng không, đường thủy và đường sắt, tăng tính kết nối hiệu quả giữa các vùng, giảm chi phí logistics, góp phần phát triển kinh tế.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, với đặc thù địa lý của Việt Nam, việc đầu tư hệ thống đường sắt bám theo dọc bờ biển từ Bắc vào Nam sẽ tạo ra chi phí logistics rẻ nhất. Vận chuyển bằng đường bộ chỉ thích hợp với cự ly 100 km - 300 km, vận chuyển đường hàng không thích hợp với cự ly trên 1.000 km. Còn cự ly vận chuyển từ 300 km - 1.000 km thích hợp nhất là sử dụng đường sắt. Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, việc đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao thời gian tới là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều năm so với thế giới.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra; kế thừa và tiếp thu nghiêm túc những điểm mới, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước cũng như xu thế trên thế giới. Việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư. Tuyến đường sắt tốc độ cao là "trục xương sống" trên hành lang Bắc - Nam, là động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới. Vì thế, Đề án phải đưa ra các mục tiêu rõ ràng dựa trên cơ sở phân tích kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương; góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ…

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu được đặt ra là năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự kiến sẽ khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào năm 2030, trong đó ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là giấc mơ, là khát vọng phát triển của tương lai, là mảnh ghép không thể thiếu trong tổng hòa mạng lưới giao thông gồm: đường bộ, đường biển, đường hàng không và đường sắt. Tuy nhiên, với số vốn đầu tư khổng lồ (trên dưới 60 tỷ USD) và những tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, cần phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trên cơ sở phương án đầu tư khả thi và khoa học nhất. Nếu thiếu tinh thần vượt khó và hành động ở bất kỳ một “mắt xích” nào thì tầm nhìn và khát vọng về tương lai Việt Nam có hệ thống đường sắt phát triển, hiện đại sẽ khó thực hiện được.

Tin cùng chuyên mục